ThienNhien.Net – Nói về “cát tặc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gay gắt: “Có cả hiện tượng buông lỏng, bao che, bảo kê cho hoạt động trái phép ngang nhiên ngày đêm”.
Chiều nay, 27-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nạn khai thác cát trái phéptràn lan ở nhiều nơi đã phá hoại môi trường, gây thất thu thuế, thách thức dư luận, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây bức xúc trong nhân dân. “Nhiều nơi chính quyền lơ là, dân tình oán than. Tôi đã làm việc với Hà Nội, khai thác cát ở lòng sông thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Có cả hiện tượng buông lỏng, bao che, bảo kê cho hoạt động trái phép ngang nhiên ngày đêm”- Phó Thủ tướng gay gắt.
Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động “cát tặc” vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy hội nghị lần này không chỉ làm rõ bức tranh mà còn kiến nghị cơ quan thường trực – Bộ Công an và đề ra giải pháp khắc phục tình trạng trên. “Đặc biệt còn làm rõ trách nhiệm, để nhân dân giám sát. Nhằm lập lại trật tự, kỷ cương và xử lý nghiêm túc những trường hợp vi phạm”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết đã nhiều lần ra quân song đến nay tình hình vẫn phức tạp hơn và TP xác định phải tập trung hơn nữa. Ông thừa nhận vẫn còn hạn chế ở địa bàn giáp ranh với Hưng Yên, Vĩnh Phúc ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ. “Do cấp phép chồng lấn, tuyên truyền có hạn, nhiều nơi còn chưa sâu sát… nên việc đấu tranh, ngăn chặn có hạn”- ông Khanh phân trần.
Phó Thủ tướng không hài lòng: “Các đồng chí đến kiểm tra thế nào. Tôi đến tận nơi ở Thường Tín hỏi lãnh đạo huyện, xã sao không xử lý và họ hứa trước tháng 12-2015 xử lý hết 9 núi cát. Lãnh đạo TP cần kiểm tra việc thực thi và có việc bao che, bảo kê hay không?”.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, cho biết hiện cả nước có 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, còn hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát, không được sự cho phép của cấp thẩm quyền hay chỉ có hợp đồng thuê đất của xã, phường. Các bãi chứa đều quá mức quy định, có những điểm nằm sát đê làm ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn đề điều trong mùa mưa lũ. Qúa trình vận chuyển, kinh doanh thường sử dụng ô tô có trọng tải lớn (trên 30 tấn) chạy trên mặt để gây rạn nứt, mặt đường nhanh xuống cấp và ô nhiễm môi trường do bụi.
Đáng nói, các điểm khai thác này sử dụng cả đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý… nhằm tạo ra lực lượng bảo kê, gây áp lực đối với doanh nghiệp có phép, để tranh chấp địa bàn, ép người lao động bán khoáng sản. Tính từ năm 2009 đến nay, đã xảy ra hàng loạt vụ các đối tượng dùng vũ lực để tranh giành địa bàn. Nghiêm trọng hơn là chống người thi hành công vụ, gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho lực lượng thi hành công vụ như vụ làm Thượng sĩ Nguyễn Văn Hoan (Bắc Giang) tử vong; vụ Nguyễn Văn Đại (Phù Ninh, Phú Thọ) dùng súng tự chế bắn 4 người dân bị thương; vụ ở Quảng Bình làm 2 người tử vong; Tiền Giang làm 1 người tử vong… Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập chuyên án, điều tra khám phá 22 vụ phạm pháp hình sự, 65 đối tượng có hành vi giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ… Trong đó có vụ một nguyên Bí thư, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) và Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này đã bị khởi tố bị can về hành vi vi phạm quy định khai thác cát. |