ThienNhien.Net – Vài tháng nay, tại tỉnh Nghệ An, nhiều người ở huyện Quế Phong kéo nhau vào rừng hái lá cò ke về phơi khô, gom bán cho thương lái đem đi Trung Quốc với giá 7.000-9.000 đồng/kg. Tình trạng này còn diễn ra tại các huyện Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương… của tỉnh Nghệ An.
Trước đó, tại các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong…, người dân cũng đổ xô vào rừng khai thác các loại cây thuốc như ba gạc, huyết đằng. Tại một điểm thu mua ở huyện Quỳ Hợp, hàng chục tấn thảo dược được thương lái thu gom, tập kết ngay bên Quốc lộ 48C mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra.
Lúc cao điểm, mỗi ngày có hàng trăm người ở huyện Tương Dương vào rừng khai thác cây cu li (dược liệu quý, có tác dụng chữa phong hàn, nhức mỏi…). Loại cây này được thương lái mua 1.700-2.000 đồng/kg…
Theo điều tra của Viện Dược liệu – Bộ Y tế tại 50% số xã thuộc miền Tây Nghệ An vào năm 2004, khu vực này có tới 962 loài thảo dược, trong đó nhiều loài có giá trị cao. Tuy nhiên, việc người dân tùy tiện vào rừng khai thác khiến 31 loài cây thuốc quý hiếm (có tên trong Sách Đỏ Việt Nam) đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, như: thiên niên kiện, thổ phục linh, sâm Puxailaleng…
“Nhiều loài cây thuốc quý vốn có trữ lượng lớn đang suy giảm nghiêm trọng. Tỉnh Nghệ An cần xây dựng một kế hoạch lâu dài để khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc” – TS Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu, kiến nghị.
Tình trạng “chảy máu” thảo dược tại tỉnh Kon Tum cũng đáng báo động. Từ tháng 6 đến nay, người dân ở huyện Kon Plong đã lên rừng tìm cây kim cương về bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1,2-1,7 triệu đồng/kg (lá khô 14-16 triệu đồng/kg). Anh A Bien (ngụ huyện Kon Plong) cho biết: “Lúc trước, đi hái về phải mang tới điểm thu mua để bán, giờ thương lái đứng ngay cửa rừng tranh mua. Họ xin cả số điện thoại, đặt tiền trước”. Theo đông y, cây kim cương có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe; hỗ trợ trị di tinh, xuất tinh sớm, yếu gan…
Theo ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plong, cây kim cương không thuộc diện cấm khai thác nên chính quyền chỉ khuyến cáo người dân không khai thác triệt để. Để bảo tồn, chính quyền đang cho phép một doanh nghiệp xây dựng vườn dược liệu, trong đó có cây kim cương.
Bán rẻ, nhập đắt
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, cho rằng việc thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây dược liệu quý với hình thức tận diệt, vơ vét cả cây, rễ là rất đáng lo ngại. Về lâu dài, nhiều loại cây thuốc quý sẽ cạn kiệt. “Điều trớ trêu là chúng ta đang bán rẻ, nhập đắt các loại thảo dược với Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc sang mua cây thuốc với giá rẻ, về sơ chế rồi đem sang bán cho chúng ta với giá cao hơn nhiều lần. Nhiều loại thảo dược họ chiết xuất lấy hết tinh dầu, sau đó lại đem xác sang bán cho chúng ta” – ông Hải lo ngại. |