ThienNhien.Net – Việc đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN là sự kiện hết sức quan trọng, diễn ra 30 năm/lần đối với mỗi quốc gia theo cơ chế hợp tác môi trường ASEAN.
Từ ngày 26 đến 30/10 tới đây, Việt Nam trong vai trò là nước chủ nhà tổ chức chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) sau 20 năm gia nhập ASEAN sẽ càng khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế, trong các lĩnh vực hợp tác nói chung, bảo vệ môi trường nói riêng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về môi trường trên phương diện song phương và đa phương .
ASEAN là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng, hợp tác môi trường được ASEAN quan tâm và thúc đẩy từ sớm. Từ năm 1977, ASEAN đã bắt tay vào việc soạn thảo Chương trình môi trường tiểu khu vực ASEAN I (ASEP I), đánh dấu mở đầu quá trình hợp tác bảo vệ môi trường trong khu vực. Năm 1989, hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường phát triển mạnh và hình thành cơ chế hợp tác mới: Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME).
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) họp định kỳ 3 năm/lần để hoạch định chiến lược và chính sách hợp tác ASEAN trong lĩnh vực môi trường, nhằm cụ thể hóa các quyết định của các cấp lãnh đạo ASEAN. Hội nghị AMME lần thứ nhất được tổ chức tại Manila (Philippines) ngày 30/4/1981. Trải qua 12 kỳ Hội nghị, AMME đã tăng cường mối quan hệ, liên kết hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) là cơ chế giúp việc cho Hội nghị Bộ trưởng AMME. Các đại diện quốc gia tham gia ASOEN luân phiên làm chủ tịch ASOEN theo nhiệm kỳ 3 năm.
Trong hợp tác với các đối tác đối thoại, ASEAN có cơ chế họp Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3, và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Đông Á bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN. Hỗ trợ và triển khai quyết định của các Bộ trưởng có Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN+3 và Hội nghị quan chức cao cấp EAS về môi trường.
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần đầu tiên đã thông qua Chương trình Môi trường I (ASEP I) và ra bản Tuyên bố đầu tiên của ASEAN về Môi trường – Tuyên bố Manila 1981, trong đó nêu ra các mục tiêu và định hướng hợp tác của khu vực. Sau này nhiều văn kiện khác đã được thiết lập như: Kế hoạch hành động chiến lược về Môi trường (SPAE) (1994-2010), Chương trình Hành động Viên Chăn (2004-2010), Kế hoạch Hành động Hà Nội (1999-2004), Tuyên bố ASEAN về Môi trường bền vững (2007); Tuyên bố EAS về biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường…
Tầm nhìn ASEAN 2015 xác định mục tiêu Cộng đồng ASEAN hướng tới là “một ASEAN xanh và sạch với các cơ chế được thiết lập đầy đủ phục vụ cho sự phát triển bền vững nhằm bảo đảm việc bảo vệ môi trường của khu vực, tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên và chất lượng cuộc sống cao của mỗi người dân.”
Trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2008-2015 là Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN khẳng định mục tiêu “ASEAN hướng tới phát triển bền vững cũng như đảm bảo môi trường xanh và trong lành bằng cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở phát triển kinh tế, xã hội bao gồm quản lý và bảo tồn bền vững dầu mỏ, nguồn nước, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học, rừng, các tài nguyên biển và ven bờ, cũng như thúc đẩy việc đảm bảo chất lượng nguồn nước và không khí cho khu vực ASEAN. ASEAN sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức môi trường toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ôzôn cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường vì nhu cầu bảo vệ môi trường bền vững.”
ASEAN cũng đề ra các hành động cụ thể, xác định biện pháp thực hiện trong kế hoạch tổng thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu: giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu; quản lý và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục môi trường và sự tham gia của cộng đồng; phát triển Công nghệ An toàn Môi trường (EST); Nâng cao chất lượng cuộc sống tại các thành phố/khu vực đô thị của ASEAN; hài hòa các chính sách và cơ sở dữ liệu về môi trường; thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và da dạng sinh học; phát triển bền vững nguồn nước ngọt; đối phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
Ngoài ra, để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về một cộng đồng ASEAN xanh và sạch thông qua việc giáo dục môi trường và tạo điều kiện cho người dân tham gia rộng rãi, các Bộ trưởng Môi trường ASEAN đã thông qua Kế hoạch Hành động Giáo dục Môi trường ASEAN 2008-2012 với chủ đề “Giáo dục môi trường vì sự phát triển bền vững.”
Để triển khai kế hoạch, các Bộ trưởng đã thành lập Nhóm làm việc về Giáo dục Môi trường, tập trung vào 5 hành động ưu tiên cần thực hiện trước mắt là đẩy mạnh nhà trường xanh ASEAN, Đào tạo lãnh đạo phát triển bền vững trong giáo dục môi trường, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá giáo dục môi trường, lập mạng môi trường bền vững trong Thanh niên ASEAN, và tổ chức liên hoan phim ASEAN.
Tiếp đó, các Bộ trưởng Môi trường ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giáo dục môi trường ASEAN (AEEAP) 2014-2018 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giáo dục và tăng cường sự tham gia của công chúng trong vấn đề môi trường.
Năm 1997, ASEAN phối hợp với Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đã ra Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ nhất nhằm đánh giá các điều kiện môi trường ở 7 nước trong khu vực, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo cũng chỉ rõ tác động và mối quan hệ của các điều kiện này trong các lĩnh vực chuyên ngành của ASEAN, đồng thời nêu bật các nỗ lực của ASEAN trong bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong các năm 2000, 2006 và 2009, ASEAN tiếp tục ra Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 2, 3 và 4. Báo cáo là một tài liệu quan trọng cần thiết giúp cho không chỉ ASEAN mà cả các đối tác đối thoại của ASEAN nhìn nhận, đánh giá thực trạng, đề ra các biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường khu vực và toàn cầu.
Đánh giá tính cấp thiết của việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực, ASEAN đã thành lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học khu vực ASEAN (ARCBC) với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu. Mục tiêu của trung tâm này là tăng cường hợp tác khu vực trong bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời đóng vai trò là đầu mối trong việc thiết lập mạng lưới và liên kết giữa các cơ quan của các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các cơ quan đối tác của Liên minh châu Âu.
Trong nỗ lực bảo tồn các khu vực có tầm quan trọng về đa dạng sinh học và các khu vực ngoại hạng của các quốc gia ASEAN, các Bộ trưởng Môi trường ASEAN cũng đã ra tuyên bố ASEAN về Vườn di sản năm 2003, nhằm thiết lập một mạng lưới các khu vực quốc gia được bảo vệ hướng tới bảo tồn các hệ sinh thái đại diện quan trọng trong khu vực ASEAN.
Các hoạt động hợp tác về môi trường diễn ra sôi nổi và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2008, Giải thưởng các thành phố môi trường bền vững ASEAN đã được tổ chức với mục đích công nhận các nỗ lực quốc gia điển hình, thúc đẩy các nỗ lực bảo đảm môi trường bền vững ở các thành phố ASEAN trong các vấn đề như y tế, hệ thống xử lý rác thải, quản lý tốt, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân…
Năm 2008, ASEAN cũng đã hoàn tất Bản hướng dẫn giám sát chất lượng nước biển và hướng dẫn về quản lý và chính sách chất lượng nguồn nước nhằm nâng cao năng lực của các quốc gia ASEAN trong việc thực hiện Tiêu chuẩn quản lý nguồn nước ASEAN.
Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc năm 2010 tại Cancun, Mexico, các Bộ trưởng ASEAN phối hợp lập trường, hiểu biết, bày tỏ nguyện vọng chung hướng tới một giải pháp toàn cầu trong vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là hướng đến một Cộng đồng ASEAN vững mạnh với nhiều biện pháp khu vực và quốc gia đủ sức chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2010 và thông qua Chương trình hành động ASEAN về biến đổi Khí hậu đến năm 2015. Cũng tại hội nghị này, các bộ trưởng đã ghi nhận tiến trình triển khai dự án phục hồi và sử dụng bền vững rừng đầm lầy than bùn ở Đông Nam Á của các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ dự án nhằm góp phần đối phó với biến đổi khí hậu và sự biến mất của đa dạng sinh học ở các khu vực này. Các bộ trưởng cũng đã thông qua Bản hướng dẫn ASEAN về các trường học sinh thái, xem đây là văn bản quan trọng nhằm tiến tới xây dựng và phát triển các trường học sinh thái ở các nước thành viên.
Về vấn đề môi trường biển, các bộ trưởng môi trường ASEAN đã thông qua cơ chế ASEAN về nâng cao giám sát việc tác bùn và xả các thùng chất thải trái phép trên biển, trong đó cùng phối hợp các nỗ lực trong ASEAN nhằm kiểm soát các hoạt động xả chất thải và thúc đẩy xả thải ở các khu vực được cấp phép.
Trong bảo đảm quản lý bền vững môi trường biển và các vùng duyên hải, ASEAN cũng đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo, tổ chức hướng dẫn đào tạo nguồn nhân lực và triển khai một số dự án hợp tác thí điểm giám sát, quản lý các khu vực biển giáp biên giới của nhau.
Liên quan đến vấn đề chống cháy rừng trong khu vực và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, ASEAN đã xây dựng và triển khai Chương trình làm việc Hiệp định khói mù xuyên biên giới, Chiến lược quản lý khu vực đất than bùn. Các bộ trưởng cũng nhất trí đề xuất các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua Hệ thống giám sát khói mù tiểu vùng ASEAN (HSM).
Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 12 (AMME 12) cùng với Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 11 (EMM 11) và Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước Đông Á lần thứ 3 (EAS-EMM 3) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan năm 2012.
Tại các hội nghị này, những nội dung hợp tác ưu tiên trong ASEAN như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, quản lý môi trường đô thị, bảo vệ môi trường biển và đới bờ, giáo dục môi trường đã được tập trung trao đổi, thảo luận. Tại đây, các bộ trưởng đã thông qua Nghị quyết Bangkok về Hợp tác môi trường ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết của các quốc gia thành viên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác môi trường ASEAN, hướng đến Cộng đồng ASEAN xanh và sạch vào năm 2015, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và đảm bảo môi trường bền vững, cũng như tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các đối tác trong việc ứng phó với các thách thức đang nổi lên đối với môi trường toàn cầu.
Hội nghị nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu cháy đất, cháy rừng ở khu vực, là nguồn gốc gây ra ô nhiễm khói mù; ghi nhận những kết quả đã đạt được trong triển khai dự án tái tạo và sử dụng bền vững Rừng than bùn ở Đông Nam Á (do Chương trình môi trường toàn cầu tài trợ) và dự án SEApeat (do EU tài trợ), trong đó có các hoạt động mẫu đang được tiến hành tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Việc AMME 12 thông qua Kế hoạch hành động ASEAN ứng phó với biến đổi khí hậu do Việt Nam đề xuất và chọn Vườn quốc gia U Minh Thượng làm công viên di sản ASEAN đánh dấu vai trò và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN.
Chuỗi các sự kiện của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 30/10 tại Hà Nội, có sự tham dự của Bộ trưởng môi trường (hoặc đại diện có thẩm quyền thay mặt Bộ trưởng) của các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tổng thư ký ASEAN, Chủ tịch ASOEN của các quốc gia…
Các sự kiện chính gồm Hội nghị Quan chức cao cấp ASOEN (SOM) ngày 26/10; Hội nghị Ủy ban thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COM11) ngày 27/10; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 ngày 28/10; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14…
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các thỏa thuận hợp tác về môi trường trong khu vực giữa hai kỳ hội nghị, thảo luận về các nội dung hợp tác mới, đồng thời kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác ASEAN trong thời gian tới.
Sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN đang khẩn trương tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN trước thềm Cộng đồng ASEAN 2015, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với khu vực và mỗi quốc gia thành viên.