Giữ rừng như “cút … bắt”

ThienNhien.Net – Phá rừng là câu chuyện không mới ở các huyện miền núi Bình Định. Điều đáng báo động là nạn xâm hại tài nguyên đã dữ dội hơn trước thời điểm điều chỉnh, sắp xếp lại quy hoạch 3 loại rừng. Rừng đầu nguồn bắc Bình Định đang nghèo đi từng giờ, từng phút… Rừng An Lão là một ví dụ!

Rừng đầu nguồn xã An Hòa bị phá, đốt tràn lan
Rừng đầu nguồn xã An Hòa bị phá, đốt tràn lan

100% xã, thị trấn đều phá rừng

Ngày 8.5.2015, Huyện ủy An Lão ra quyết định “bổ sung, kiện toàn đoàn công tác chỉ đạo giải quyết tình hình phá rừng trái phép”, theo đó, trưởng đoàn là Bí thư Huyện ủy Đinh Minh Tấn. Hai phó đoàn là Phó bí thư Thường trực và Phó bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện. Tới lượt mình, UBND huyện cũng lập 2 tổ công tác do 2 phó chủ tịch làm tổ trưởng. Hệ thống chính trị ở An Lão gần như coi chống phá rừng là nhiệm vụ trọng tâm số 1! Chủ tịch UBND huyện An Lão Nguyễn Thanh Tùng nhận định: Đến nay, “tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật khu vực giáp ranh huyện Hoài Nhơn (Bình Định) và Ba Tơ (Quảng Ngãi) có chiều hướng gia tăng”.

Trao đổi với P.V Lao Động, Hạt trưởng Kiểm lâm Nguyễn Thanh Sinh cho biết, đã xác định được 142 địa điểm phá rừng, diện tích thiệt hại 40ha và 44 điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, làm “bốc hơi” 74ha. Cả 10 xã, thị trấn của An Lão, không đơn vị nào đứng ngoài cuộc tàn sát tài nguyên! Họ sử dụng phương tiện cơ giới nên có khi chỉ 1 buổi đã phá banh hàng chục hecta. Người ta phá rừng để trồng rừng kinh tế, chủ yếu là keo lá tràm” – ông Sinh nói.

Ở khoảnh 1, tiểu khu 22 A đầu nguồn Sông Vố, trong khi UBND thị trấn An Lão đưa ra con số thiệt hại gần 3ha thì trên thực tế, diện tích bị đốn hạ lớn hơn gấp nhiều lần. Tại xã An Hòa, suốt nhiều tháng liền, người dân liên tục tố cáo việc thân nhân lãnh đạo chủ chốt của huyện phá 36ha rừng đầu nguồn hồ Hưng Long để trồng keo lai, thế nhưng UBND huyện An Lão không đề cập tới.

“Chúng tôi mỏng quá”

Lối vào Hưng Long, Hóc Tranh (An Hòa) đi qua những cánh rừng trơ trụi, nham nhở. Nhiều thân cây có gốc cỡ vòng tay người lớn bị cưa ngã, đốt cháy. Một người đi đường “bỏ nhỏ”: “Mỗi sáng, từng tốp cả chục người lũ lượt kéo lên rừng. Họ di chuyển bằng xe “chuyên dụng” đã qua độ chế, phục vụ việc leo núi và vận chuyển lâm sản. Điểm đến là các tiểu khu 34, 44. Nhìn xa, cây cối vẫn xanh tốt nhưng thực ra, bên trong rỗng ruột hết rồi”.

Việc ứng phó với nạn phá rừng diễn ra như những cuộc “cút – bắt” triền miên. Hạt trưởng Nguyễn Thanh Sinh dẫn ví dụ còn mới tinh: “Xã An Hòa có 7 điểm rừng bị phá, diện tích 10,85ha, gồm 7,35ha rừng phòng hộ, 3,5ha rừng sản xuất. Với 3 điểm rừng phòng hộ tại khoảnh 4, 6, tiểu khu 34 được UBND xã đề nghị khởi tố hình sự (chưa xác định đối tượng), huyện tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ như cài đặt thông tin, mai phục bám hiện trường nhưng vẫn không thu được kết quả gì”. Ông Sinh nói tiếp: “Có phải lúc nào cũng huy động được ban bệ rầm rộ đâu. Chỉ đơn độc kiểm lâm thì không đủ sức. Chúng tôi chỉ có 18 người, quá mỏng so với hơn 59.000ha đất lâm nghiệp”.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thanh Tùng cũng nêu khó khăn: “Đối tượng vi phạm không thiếu thủ đoạn đối phó: Tổ chức theo dõi, canh chừng lực lượng chức năng; phá rừng vào ban đêm và những ngày nghỉ; hỗ trợ tẩu thoát bằng phương tiện liên lạc hiện đại. Không bắt được phạm pháp quả tang thì rất gay”.

Trong báo cáo đề ngày 18.8 gửi Thường trực Huyện ủy, ông Tùng liệt kê hàng loạt vụ việc “chưa xác định được đối tượng”: 24 điểm ở An Toàn, 17 điểm ở An Vinh, 24 điểm ở An Hưng… Thậm chí, ngay cả những vụ đã rõ ràng, “đúng người, đúng tội”, hiệu lực pháp luật cũng không như kỳ vọng. Ở An Dũng có 8/10 trường hợp, An Trung 13/24 trường hợp… né tránh, trì hoãn nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt. Mà đó cũng chỉ là một vài trường hợp được nêu làm… ví dụ.