ThienNhien.Net – Ngày 21/10, Hội chữ thập Xanh Thụy Sĩ (Green Cross Switzerland) và tổ chức phi chính phủ Trái Đất sạch (Pure Earth) có trụ sở ở New York (Mỹ) đã công bố báo cáo “Những độc tố với môi trường năm 2015” cho biết 6 chất độc nguy hiểm nhất đang đe dọa gần 100 triệu người trên toàn thế giới, là các chất gây ô nhiễm – chì, hạt nhân phóng xạ, thủy ngân, crom hóa trị sáu, thuốc trừ sâu và cadmium.
Theo ông Richard Fulle, Chủ tịch Pure Earth, 6 độc tố kể trên thực tế vẫn đang tác động đến nhiều người trên thế giới và có tính chất tập trung nhiều hơn so với các chất ô nhiễm khác.
Những thống kê mới nhất cho biết hiện có khoảng 95 triệu người trên thế giới đang bị tác động bởi các độc tố trên và hơn 14,7 triệu người chịu những khuyết tật trong cuộc sống. Các tác giả bản báo cáo khẳng định 6 chất gây ô nhiễm trên dẫn đến các bệnh suy nhược đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em.
Trong khi đó, ông Stephan Robinson, Giám đốc điều hành của Green Cross Switzerland cho rằng các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp tục vật lộn với những hậu quả về sức khỏe do việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm, thường bị thúc đẩy do quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng và việc xuất khẩu các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Báo cáo còn liệt kê “những thách thức khó giải quyết” trong việc đối phó với vấn đề tái chế chì từ pin đã qua sử dụng, hay vấn đề số lượng xe cộ tiếp tục tăng trên toàn thế giới. Việc giá vàng thế giới vẫn còn cao, do đó lượng khí thải thủy ngân từ các mỏ khai thác vàng quy mô nhỏ sẽ tiếp tục tăng và di chuyển trên toàn cầu. Hiện có rất ít tiến bộ trong việc đối phó với các vấn đề của các kim loại nặng từ hoạt động khai thác mỏ, chế biến hay việc quản lý loại bỏ những loại thuốc trừ sâu đã lỗi thời.
Green Cross Switzerland cho rằng nếu không có biện pháp đối phó thích hợp, số lượng những người tiếp xúc với mức độ nguy hiểm của ô nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo các chuyên gia, mặc dù tác hại đối với sức khỏe con người là nghiêm trọng, song vấn đề độc tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong những khoản đầu tư tài chính so với việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, HIV/AIDS, bệnh lao và hai vấn đề môi trường toàn cầu là biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng giống loài.