ThienNhien.Net – Khoảng 1 tháng nay, chất cấm liên tục được nhắc tới sau khi cơ quan chức năng thuộc Bộ NN-PTNT phát hiện, phanh phui các vụ buôn bán thịt heo và thức ăn chăn nuôi có chứa những chất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng…
Thịt siêu nạc ở đâu cũng có
Thông tin chất cấm bắt đầu bung ra sau khi Chi cục Thú y TPHCM phát hiện có nhiều xe chở heo từ các thị trường “vệ tinh” như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… có dư lượng chất cấm khi kiểm tra, xét nghiệm. Sau đó, thông tin được gửi cho Bộ NN-PTNT và cơ quan này đã tổ chức đoàn thanh tra tại các tỉnh quanh TPHCM để làm rõ. Kết quả xác nhận chất cấm trong thịt heo có nguồn gốc từ trong thức ăn chăn nuôi do các cơ sở kinh doanh nguyên liệu hoặc nuôi heo trộn vào.
Tại cuộc họp khẩn mới đây của Bộ NN-PTNT về chấn chỉnh và “tuyên chiến” với chất cấm, có thông tin cho biết các doanh nghiệp đã nhập tới 68 tấn chất cấm về Việt Nam và không chỉ ở thị trường quanh TPHCM mà ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cũng có chất cấm.
Trên thực tế, chất cấm trong chăn nuôi đã rộ lên từ năm 2014 khi cơ quan chức năng bắt quả tang một doanh nghiệp mua bán chất cấm với số lượng lớn ở tỉnh Hải Dương nhưng sau đó chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, những vụ việc như Bộ NN-PTNT vừa phát hiện và công khai cho thấy, các chất cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vẫn là “bóng ma” âm thầm tồn tại, việc kiểm soát chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, theo nhiều người tiêu dùng, chỉ cần ra chợ là nhìn thấy thịt heo siêu nạc (không khó để nhận dạng) được bày bán công khai. Điều đó chứng tỏ chất cấm vẫn được sử dụng tràn lan để chăn nuôi.
Chị Lê Thị Hòa ở phường Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, không phải bây giờ khi các cơ quan chức năng công bố phát hiện chất cấm thì người dân mới biết, mà từ lâu nay, các bà nội trợ đã nghe thông tin và tự bảo vệ mình bằng cách hỏi thăm kinh nghiệm nhận biết để tránh cũng như địa chỉ các cơ sở bán thịt sạch để mua. Giá thịt heo sạch hiện đắt gấp rưỡi heo siêu nạc, chẳng hạn thịt nạc vai thường chỉ có 75.000 – 80.000 đồng/kg thì thịt sạch bán tới 105.000 đồng/kg và phải hẹn lịch trước mới mua được. Tuy nhiên, các hàng thịt heo siêu nạc tại chợ vẫn tiêu thụ được vì tuồn vào các nhà ăn tập thể, khu công nghiệp hoặc dùng làm giò chả…
Mở đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm
Một chủ trại heo tiết lộ, bây giờ các trại heo đều nuôi bằng cám công nghiệp và trộn thức ăn tăng trọng, siêu nạc để heo lớn nhanh, cân nặng mới có lãi. Để mua được thức ăn chăn nuôi như thế này không hề khó. Chất tăng trọng có thể được trộn sẵn vào cám hoặc bán lẻ để chủ trại heo sử dụng. Thông thường, chất tăng trọng có giá khoảng 500.000 – 600.000 đồng/kg do các đại lý lớn hơn cung cấp nhưng đã được trộn với cám, còn hàng nguyên chất thì có giá tới 13 – 15 triệu đồng/kg, do Trung Quốc sản xuất. Cứ mỗi 1kg chất tăng trọng có thể trộn khoảng 50kg cám để bán lẻ cũng thu được 10 – 15 triệu đồng tiền lãi.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, chất tạo nạc và tăng trọng cho heo mà các cơ quan chức năng phát hiện chính là 3 chất nằm trong nhóm B-agonist được nhập về để sử dụng trong y tế, không được phép dùng cho chăn nuôi nên mới gọi là “chất cấm”. Trong đó, được sử dụng lén lút hiện nay là chất Salbutamol. Nếu dùng nuôi heo, nó sẽ để lại dư lượng và người ăn phải sẽ bị những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, nặng nhất là ung thư.
Tại cuộc họp khẩn mới đây của Bộ NN-PTNT có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế và Bộ Công an, các thành viên cho rằng nguồn chất cấm có thể được tuồn từ các doanh nghiệp được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu về để sử dụng trong y tế. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) – Bộ Công an đã đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Y tế để thống nhất cơ chế quản lý, tránh tình trạng để chất cấm tuồn từ bên y tế sang chăn nuôi.
Không chỉ có chất cấm Salbutamol, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện thêm chất vàng ô (Vat Yellow) trộn vào thức ăn gia cầm để tạo màu vàng cho thịt là một chất gây ung thư. Theo thông tin từ C49, Bộ Công an cơ quan này vừa phát hiện và tiêu hủy tại chỗ hơn 13kg vàng ô, tịch thu 20kg chất bột trắng không rõ nguồn gốc. Qua điều tra, vàng ô được nhập khẩu và sử dụng rất tràn lan trên thị trường. C49 đề nghị Bộ NN-PTNT sớm đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi để có căn cứ xử lý.
Trước thực trạng chất cấm và thực phẩm mất an toàn ngày càng phức tạp, đe dọa sức khỏe người dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ nay đến tháng 2-2016 sẽ triển khai đợt cao điểm tuyên chiến với thực phẩm bẩn và chất cấm, kiên quyết ngăn chặn dứt diểm việc buôn bán, sử dụng các chất như Salbutamol, vàng ô… và tập trung chủ yếu vào hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM. |