ThienNhien.Net – Thông tin từ Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, trong hai ngày (20-21/10), tổ chức này đã triển khai chuyến cứu hộ áp chót đưa 8 cá thể gấu bị nuôi nhốt nhằm mục đích thương mại (chích hút lấy mật) ở tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, trong khuôn viên Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là những cá thể gấu bị nuôi nhốt cuối cùng ở tỉnh Quảng Ninh được đưa về “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam, bởi trên toàn địa bàn tỉnh này chỉ còn duy nhất một cá thể gấu trong một trang trại ở thành phố Uông Bí đang được các cơ quan chức năng tiếp tục vận động chuyển giao.
Tám cá thể gấu được cứu hộ này bị nuôi nhốt tại 7 hộ gia đình/doanh nghiệp tư nhân nuôi trên địa bàn các phường Cẩm Đông, Cẩm Phú, Cẩm Bình (thành phố Cẩm Phả); phường Đại Yên (thành phố Hạ Long); phường Yên Giang, Minh Thành (thị xã Quảng Yên); và phường Nam Khê (thành phố Uông Bí).
Theo đại diện Tổ chức Động vật Châu Á, những cá thể gấu này sau khi đưa về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam sẽ trải qua quá trình phục hồi, ghép nhóm và cuối cùng được chăm sóc trong môi trường bán hoang dã như 139 cá thể gấu khác hiện đang sống tại “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam ở Vườn quốc gia Tam Đảo.
Trong ngày cứu hộ đầu tiên (20/10), Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ 4 cá thể, trong đó có 3 cá thể gấu ngựa cái được đặt tên là Autumn (Thu), Gloria, Victoria và 1 cá thể gấu ngựa đực Popeye. Hầu hết gấu đều được nuôi nhốt lâu năm trong chuồng cũi, và chúng đều có vấn đề về răng do buồn chán và cắn các thanh lồng sắt hoặc bị các vấn đề về lông, mắt do điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo.
Đặc biệt, Gloria, cá thể gấu được cứu hộ từ một hộ gia đình ở Cẩm Phú, Cẩm Phả đã được nuôi nhốt trong suốt 15 năm (Từ năm 2000) từ khi là gấu con, chỉ nặng 3,5 kg. Và, do bị nhốt quá lâu trong không gian khá tối nên khi chuyển sang lồng cứu hộ, Gloria có biểu hiện hoảng loạn.
Chị Mandala Hunter, bác sỹ thú y cao cấp của Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, người trực tiếp tham gia cứu hộ cho biết, các cá thể gấu bị nuôi nhốt có những vấn đề về sức khỏe khác nhau, từ chứng viêm khớp đến đau răng hay rối loạn tâm thần, là hậu quả của những năm tháng nhàm chán và bị lạm dụng trong các trại nuôi gấu lấy mật.
“Là bác sỹ thú y, chúng tôi sẽ tiến hành việc chăm sóc sức khỏe, phẫu thuật nếu cần và điều chỉnh thuốc thang để đảm bảo cuộc sống cho gấu. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các nhân nhân viên chăm sóc gấu trong việc giám sát hành vi của gấu để đảm bảo gấu được chăm sóc cẩn thận, cả tinh thần lẫn thể chất,” chị Mandala Hunter nói.
Từ thực tế trên, tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện của Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp tốt nhất với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục vận động và sớm cứu hộ cá thể gấu còn lại, tiến tới nhanh chóng chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Quảng Ninh.