25 quốc gia dự giải đua xe năng lượng Mặt Trời xuyên Australia

ThienNhien.Net – Từ 18-21/10, Australia tổ chức giải Đua xe Năng lượng Mặt Trời Quốc tế 2015 (World Solar Car Challenge 2015).

46 chiếc xe được thiết kế độc đáo đến từ 25 quốc gia trên thế giới đã tham dự chặng đua xuyên Xứ sở Kangaroo dài 3.000km, xuất phát từ thành phố Darwin, vùng lãnh thổ phía Bắc và kết thúc ở thành phố Adelaide, bang Nam Australia.

Trong số này, đáng chú ý là đội Liberty Solar Car đến từ bang Texas của Mỹ, gồm các thành viên rất trẻ là các học sinh trung học.

Australia có 5 đội tham gia đến từ các trường Đại học New South Wales, Đại học Tây Australia và Đại học Adelaide.

Một xe ôtô chạy bằng năng lượng Mặt Trời tham gia cuộc đua (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một xe ôtô chạy bằng năng lượng Mặt Trời tham gia cuộc đua (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xuất phát đầu tiên là chiếc xe năng lượng Mặt Trời 4 chỗ đầu tiên trên thế giới mang tên Stella Lux của đội Eidenhoven đến từ Hà Lan. Đây là một trong những ứng cử viên nặng ký ở vòng Cruiser Class vì có thể chở hành khách và có thiết kế thực tế, có thể tạo ra năng lượng nhiều hơn năng lượng sử dụng và nguồn năng lượng thừa có thể được tích lũy trong hệ thống. Tốc độ trung bình của chiếc xe này được ghi nhận trong vòng đua trước đó là 90,6km/giờ.

Chiếc xe Persian Gazelle III của Iran được cổ vũ nồng nhiệt nhất khi xuất phát đã phải rời cuộc đua chỉ sau vài km vì bị xịt lốp. Xe K.I.T Golden Eagle 5.1của Nhật Bản cũng bị trục trặc phải rời cuộc cuộc đua sớm.

Xe của Singapore có thể chở hành khách (Nguồn: ABC)
Xe của Singapore có thể chở hành khách (Nguồn: ABC)

World Solar Car là cuộc đua xe năng lượng Mặt Trời uy tín nhất thế giới, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1987 theo định kỳ 2 năm một lần. Mỗi ngày, cuộc đua bắt đầu từ 8 giờ sáng và kéo dài tới 5 giờ chiều.

Cuộc đua nhằm hướng tới mục tiêu đưa công nghệ ôtô năng lượng Mặt Trời trở thành dòng xe phổ biến và khuyến khích sáng kiến tìm giải pháp sử dụng năng lượng sạch thay thế bền vững cho năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và đang bị cạn kiệt.

Nguồn: