ThienNhien.Net – Hiện nay, cả nước có hơn 1.250 khu công nghiệp tập trung và hàng trăm nghìn nhà máy, cơ sở sản xuất phân bố riêng lẻ trong các khu dân cư… Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) thuộc Bộ Công an, hơn 70% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp đang xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nhất là ở các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy…
Nguy cơ tiềm ẩn
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vừa được tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 cảnh báo: “Tình hình vi phạm về môi trường đang diễn biến phức tạp, tội phạm môi trường có những biến đổi về hành vi, tính chất phạm tội. Thủ đoạn của loại đối tượng này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng…”.
Từ thực phẩm cho đến các loại hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp…, đâu đâu cũng thấy mối nguy hại từ thực phẩm bẩn, chất thải công nghiệp. Có ngày, lực lượng cảnh sát môi trường, quản lý thị trường bắt hàng trăm tấn nội tạng động vật bẩn không rõ xuất xứ đang trên đường xâm nhập vào nội địa. Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cũng đang góp phần hủy hoại môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Từ vùng cao đến đô thị lớn, đâu đâu cũng có thể gặp các lái buôn săn tìm động vật và sản phẩm từ động vật quý hiếm như: Sừng tê giác, mật bò tót, bàn chân gấu, nanh hổ… Điều đó chứng tỏ các giải pháp ngăn chặn đối tượng này chưa phát huy hiệu quả.
Muôn kiểu đối phó, lách luật
Vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang 2 xe tải đang đổ trộm chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra bãi đất trống thuộc khu phố 3, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Tài xế điều khiển 2 xe tải là Nguyễn Hữu Chung và Nguyễn Minh Quang (cùng trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) khai nhận chở thuê cho Hoàng Đức Phát (trú tại huyện Long Thành) với tiền công 1,3 triệu đồng/chuyến.
Mới đây, C49 cũng đã xử lý cơ sở tái chế lốp cao su gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cơ sở này nằm sát khu dân cư, có ngày đốt hàng chục tấn lốp xe ô tô (đã qua sử dụng), xả khí thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của người dân xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc và khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Văn Bàn, trú tại xã Triệu Lộc cho hay: “Chúng tôi không biết bên trong bức tường đó họ sản xuất cái gì. Cơ sở này quanh năm đóng cổng kín mít, bên ngoài không có biển hiệu. Chỉ biết cột khói thường xuyên xả khói đen kịt, hít phải khí này, bà con thấy rất mệt, khó thở. Nhiều khi họ đốt cả ban đêm, khiến người dân trong vùng mất ngủ, rất mệt mỏi”.
Đại úy Trần Anh Tuấn, Phòng 3, C49 cho biết: “Đơn vị nghiệp vụ đã lấy vật phẩm để kiểm định mức độ gây ô nhiễm, song theo nguồn tin trinh sát, xưởng tái chế này không chỉ sản xuất lốp, đắp lốp mà còn sản xuất chất đốt. Công nghệ nấu lốp bằng lò đốt để lấy chất đốt du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam chưa lâu, song theo đánh giá thì lượng khí thải từ các lò đốt gây ô nhiễm nặng đối với bầu không khí. Chúng tôi sẽ sớm có kết luận và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần thương mại GOMU Hưng Nam Thịnh, có trụ sở tại TP Thanh Hóa. Mặc dù đã xả thải gây ô nhiễm trong thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại và cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý.
Còn tại Tuyên Quang, lực lượng chức năng vừa tổ chức đợt kiểm tra về hoạt động xử lý chất thải, bảo vệ môi trường tại Công ty Cổ phần Giấy An Hòa. Để xác định nồng độ chất ô nhiễm, cơ quan chức năng đã cùng với công ty tiến hành lấy 2 mẫu nước thải tại vị trí cửa cống xả thải ra sông Lô gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng I thử nghiệm. Kết quả cho thấy 2 mẫu thử đều vượt quá giới hạn quy định tại QCVN 12:2008/BTNMT; trong đó, độ màu vượt từ 2,13 đến 2,2 lần, BOD5 (lượng ô-xi cần thiết để ô-xi hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ 20°C) vượt từ 1,06-1,12 lần. Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Giấy An Hòa khẩn trương hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm khi xả thải phải đạt tiêu chuẩn cho phép.
Cần xử lý tận gốc
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Lương, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Doanh nghiệp này nhiều lần bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm. Năm 2013, UBND tỉnh xử phạt hành chính 230 triệu đồng, C49 xử phạt 225 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Tháng 8-2014, UBND tỉnh tiếp tục xử phạt 150 triệu đồng vì không thực hiện đúng nội dung về xử lý nước thải đạt quy chuẩn về môi trường trước khi thải ra sông Lô”.
Phải chăng chế tài xử phạt những vi phạm về môi trường còn quá nhẹ? Điều này thể hiện ở việc các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bị phạt để kiếm lời theo kiểu “ăn xổi”. Họ bất chấp nguy hiểm, bỏ qua những hậu quả tác động tiêu cực về sau cho chính doanh nghiệp mình. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu những giải pháp lâu dài để giải quyết vấn nạn này. Cơ quan chức năng không nên xử lý “phần ngọn”, cần có biện pháp căn bản, cụ thể để bảo vệ môi trường sống, gìn giữ cho các thế hệ sau. Việc xử lý nghiêm những hành vi phạm tội về môi trường là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là phải tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ vấn đề. Chỉ có như thế thì mới giải quyết được vấn nạn tàn phá môi trường, ngăn chặn việc tiếp tay, đồng lõa với tội phạm.