ThienNhien.Net – Trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, vấn đề nóng lên toàn cầu và axit hóa đại dương luôn là những chủ đề được quan tâm nhất. Nhưng bên cạnh đó, gió cũng đang biến đổi từng ngày, chậm hơn ở một số nơi, mạnh lên hoặc đổi hướng ở các nơi khác. Một trong những sinh vật đặc biệt nhạy cảm với gió mạnh là các loài chim biển sống ở vùng duyên hải. Trong điều kiện gió khắc nghiệt, chúng khó có thể kiếm đủ thức ăn, không chỉ bởi vì phải bay trên biển mà còn do hướng gió liên quan mật thiết tới các dòng hải lưu.
Gió ảnh hưởng không giống nhau tới mọi cá thể trong một quần thể chim biển. Chẳng hạn, độ tuổi và giới tính có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự sinh tồn của loài chim trong điều kiện khắc nghiệt do các yếu tố này quyết định kích thước cơ thể và khả năng di chuyển. Tuy nhiên chỉ cần một nhóm gặp khó khăn trong điều kiện thời tiết xấu, toàn bộ quần thể sẽ có biến động lớn, đặc biệt là sự chênh lệch giữa cá thể đực và cái.
Trước những giả thuyết trên, nhà sinh học tiến hóa Sue Lewis từ Đại học Edinburgh cùng với các cộng sự từ Trung tâm Thám hiểm Nam cực (British Antarttic Survey) và Trung tâm Sinh thái và Thủy văn (Vương quốc Anh) đã tiến hành nghiên cứu loài chim cốc mào châu Âu nhằm tìm hiểu tác động khác biệt của gió đến quá trình sinh trưởng của chim biển đực và cái.
Chim cốc mào châu Âu (tên khoa học: Phalacrocorax aristoteli) là một loài chim ăn cá biển. Con đực có kích thước cơ thể lớn hơn gần 20% so với con cái, có nghĩa chúng ăn nhiều cá hơn và có khả năng chịu gió mạnh hơn. Đồng thời, con đực có khả năng giữ hơi thở lâu hơn con cái nên có khả năng lặn sâu hơn khi tìm kiếm thức ăn.
Lewis và nhóm nghiên cứu đã gắn thiết bị cảm biến lên 88 con chim cốc mào trưởng thành sống ở phía đông nam Khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Isle of May của Scotland. Thiết bị này cho phép nhận biết thời điểm và khoảng thời gian chim lặn xuống nước. Kết hợp với các dữ liệu thời tiết, các nhà khoa học có thể tìm ra quy luật tác động của gió tới tập quán kiếm ăn của chim cốc mái.
Điều kiện kiếm ăn tốt nhất bao gồm ánh sáng và gió biển. Khi gió biển chuyển hướng từ ngoài biển vào trong đất liền, chim cốc mào mất nhiều thời gian kiếm ăn hơn. Mặc dù vẫn kiếm ăn trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, chúng có thể tiết kiệm thời gian hơn khi gió nhẹ. Còn khi gió mạnh dẫn tới sóng to, khả năng bắt cá giảm sút đáng kể khiến chúng quyết định từ bỏ và quay về tổ.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy con cái phải dành nhiều thời gian kiếm ăn hơn so với con đực cả trong điều kiện gió thường và gió mạnh. Vì thế khi thời tiết xấu đi, nỗ lực kiếm ăn giữa hai giới ngày càng khác biệt. Thế nhưng, lý do của sự khác biệt trên vẫn chưa được lý giải. Có thể do chim mái có kích thước cơ thể nhỏ hơn, hoặc cũng có thể do chim đực bay giỏi hơn, cần ít thức ăn hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng hàng ngày. Dù là lí do nào, các nghiên cứu trước đó cũng đã chỉ ra rằng chim cốc mào cái có tỷ lệ tử vong cao hơn trong điều kiện gió biển mạnh kéo dài, có lẽ do chúng không kiếm được đủ thức ăn.
Như vậy, nếu biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn như dự đoán thì quần thể chim cốc mào sẽ ngày càng ít chim mái, ảnh hưởng lâu dài đến khả năng duy trì loài. “Hậu quả có thể còn nghiêm trọng nữa và các loài chim biển khác cũng sẽ gặp phải rủi ro tương tự,” Lewis khẳng định.
Ở khía cạnh khác, biến đổi khí hậu cũng có một vài lợi ích cho các loài chim. Đổi hướng gió cũng khiến nhiều chất dinh dưỡng cần thiết từ dưới đáy đại dương nổi lên mặt biển. Đồng thời, tình trạng giảm lượng thức ăn hay tăng lượng kí sinh trùng có thể ảnh hưởng cục bộ đến chim đực, từ đó giảm bớt chênh lệch giới tính khi gió mạnh ảnh hưởng tiêu cực tới chim cái. Vì vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là vô cùng phức tạp và chưa thể làm rõ. Nhưng có một điều hiển nhiên nhất, nhiệt độ tăng và axit hóa đại dương không phải là những thách thức duy nhất mà giới tự nhiên phải gánh chịu, trong đó có gió mạnh.