Một mối đe dọa cho Sơn Đoòng

ThienNhien.Net – Khi sự kiện Sơn Đoòng bùng nổ, báo Lao Động có bài viết “Niềm tự hào và mối suy tư”, nêu ra những dự báo về một Sơn Đoòng sẽ bị những tác động nguy hiểm do lối làm du lịch thiếu tầm nhìn: “Hãy thử hình dung, một Sơn Đoòng đẹp như vô nhiễm, rồi đây sẽ có lũ lượt người kéo đến, giẫm đạp tan hoang cây cỏ, xả rác bừa bãi và gây ô nhiễm bởi nhiều thứ khác. Vậy thì Sơn Đoòng có còn là Sơn Đoòng nữa không? Chỉ nghĩ đến đây thôi đã thấy lo lắng”.

Và nỗi lo đó đã cận kề khi tỉnh Quảng Bình dự định làm cáp treo vào Sơn Đoòng. Tại cuộc họp báo ngày 9.10, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – nêu ý kiến, việc làm tuyến cáp treo Sơn Đoòng sẽ thu hút du khách đại chúng và không ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như hệ sinh thái Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Một cảnh đẹp trong Sơn Đoòng
Một cảnh đẹp trong Sơn Đoòng

Cứ nghĩ đến hàng ngàn vạn người đi cáp treo vào Sơn Đoòng là thấy sợ hãi. Đúng là bán vé được rất nhiều, thu hút được hàng vạn, thậm chí hàng triệu lượt người đến Sơn Đoòng mỗi năm, nhưng hậu quả là Sơn Đoòng sẽ đi tong, càng đông người đến, Sơn Đoòng càng mau… chết.

Sơn Đoòng là một báu vật, cần phải được nâng niu. Sơn Đoòng hấp dẫn chính vì nó giấu kín trong núi non không dễ đến, nó thách thức, mời gọi những con người thích tìm đến thiên nhiên hoang dã, thích du lịch mạo hiểm và khát khao khám phá. Sơn Đoòng dành cho những người say mê vận động, leo núi, trèo đèo vượt suối đến để trò chuyện bằng ngôn ngữ của thiên nhiên, trong không gian hang động đẹp lộng lẫy bậc nhất địa cầu. Sơn Đoòng không phải là vật trang trí để cho vạn người áo váy rộn ràng đi cáp treo lũ lượt đến xem cho biết, chụp ảnh khoe trên Facebook và xả rác quay về.

PGS-TS Tạ Hòa Phương – Chủ nhiệm bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) – phản đối dùng cáp treo đưa du khách vào Sơn Đoòng: “Bởi vì, nó sẽ phá hủy di sản mà theo tôi quý hiếm nhất trong hệ thống di sản thiên nhiên thế giới hiện nay. Dù là hang động lớn nhất, kỳ vĩ nhất, nhưng những cấu trúc địa chất bên trong hang cực kỳ mỏng manh, dễ bị phá hủy”.

Người ta bổng dưng khởi lên “tà niệm” cáp treo âu cũng vì nghĩ tới tiền. Nhưng đó cũng là cách nghĩ không qua cái sân gạch nhà mình. Thế giới có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời nhưng họ hạn chế du khách. Đó là những nơi “sang trọng”, phải trả giá cao mới được vào, họ thu nhiều tiền nhưng vẫn bảo vệ được di sản khỏi những nguy cơ bị tổn thương do con người gây ra.

Để trăm năm sau, nơi đó vẫn là hoang sơ.