ThienNhien.Net – Khi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua cũng là lúc nhiều người “nghe ngóng” thông tin quy hoạch quanh khu vực cảng hàng không này có gì thay đổi
Sau thời gian họp bàn về việc quy hoạch lại vùng lân cận khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), UBND tỉnh Đồng Nai đã cơ bản gút được phương án quy hoạch để toàn bộ khu vực này phát triển hợp lý khi dự án sân bay Long Thành triển khai.
Chỉ phát triển thấp tầng
Vấn đề quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành được UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm từ cách đây nhiều năm khi dự án xây dựng sân bay đang trong giai đoạn gây nhiều tranh cãi từ những ý kiến đa chiều.
Để phù hợp tình hình hiện tại, tỉnh Đồng Nai thông tin: Về cơ bản sẽ tiếp tục với quy hoạch cơ bản xung quanh sân bay từ năm 2013 nhưng thời gian tới, tỉnh sẽ điều chỉnh, sắp xếp lại với những chi tiết mới, đồng thời có vài thay đổi, bổ sung.
Cụ thể, đề án quy hoạch xung quanh sân bay năm 2013 do Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thực hiện đã đặt dự án trong vùng quy hoạch vùng TP HCM (gồm 8 tỉnh, thành) hòa cùng sự phát triển vùng. Quy hoạch này dự kiến thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2013 đến 2020) xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và các công trình quỹ đạo như hạ tầng công nghiệp, y tế, giáo dục…
Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến 2025) xây dựng các khu đô thị phía Đông, phía Bắc, các đại lộ, công viên, trung tâm thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng…
Giai đoạn 3 (sau 2025, khi dự án sân bay đi vào hoạt động) sẽ thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, kết nối liên vùng đáp ứng nhu cầu của dự án mang tầm quốc tế.
Thế nhưng, tại cuộc họp mới đây liên quan đến quy hoạch khu vực xung quanh sân bay, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai và đại diện các sở, ban, ngành vẫn cơ bản thống nhất thực hiện theo quy hoạch đã vạch ra trước đó nhưng do việc thực hiện quy hoạch xung quanh sân bay vẫn đang trong quá trình được xây dựng, hoàn thiện nên một số vấn đề tiếp tục được bàn thảo.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất khu vực lân cận sân bay Long Thành được xác định diện tích khoảng 21.000 ha, bao gồm khu tái định cư, khu dịch vụ hàng không phía Bắc (khoảng 5.700 ha); khu dân cư hiện hữu 2 bên, chủ yếu sản xuất nông nghiệp (khoảng 11.000 ha); khu dân cư phía Nam gắn với dịch vụ logistics (dịch vụ dây chuyền tổng hợp) và khu vực hồ Cầu Mới dành cho du lịch sinh thái.
Hiện tại, trong vùng có một số dự án đầu tư đã được giới thiệu địa điểm từ trước, đa số là các dự án nhỏ, sẽ được tiếp tục xây dựng nhưng giới hạn về quy mô. Tỉnh Đồng Nai sẽ thuê đơn vị tư vấn vẽ lại sơ đồ vùng nông nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu dân cư một cách hoàn chỉnh…
UBND tỉnh Đồng Nai cũng nhấn mạnh quy hoạch không gian xung quanh sân bay Long Thành sẽ hạn chế cấp phép đầu tư khu dân cư, chỉ phát triển nông nghiệp, dịch vụ thấp tầng, đặc biệt quan tâm ngay từ đầu khu vực dưới đường bay.
“Phải quy hoạch bài bản, chặt chẽ ngay từ đầu xung quanh các vùng máy bay lên, xuống. Quy hoạch vùng xung quanh sân bay phải có tầm nhìn để khi có nhu cầu phát triển tiếp có thể thực hiện được. Cần chú tâm đến hạ tầng từ sân bay ra đường cao tốc, thuận tiện cho khách bốn phương và giảm áp lực cho quốc lộ…” – ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo.
Xin cơ chế đặc thù
Song song với việc đẩy nhanh quy hoạch chi tiết 21.000 ha đất xung quanh sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tách ngay tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng; đồng thời cho tỉnh được tạm ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành, theo dự kiến là vào đầu năm 2019.
Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, nếu thực hiện theo quy trình thủ tục, chờ sau khi báo cáo khả thi giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến giữa năm 2017) thì sẽ không thể triển khai kịp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Do vậy, tỉnh Đồng Nai kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép tách ngay tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư và triển khai ngay; cho phép thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư 1 lần cho toàn bộ diện tích dự án 5.000 ha; cho tạm ứng vốn theo tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai theo các giai đoạn được tỉnh Đồng Nai thực hiện liên tiếp…
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nếu được Chính phủ chấp thuận, tỉnh này sẽ xúc tiến ngay việc giải tỏa đền bù tái định cư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 giải phóng 2.750 ha để kịp bàn giao mặt bằng triển khai giai đoạn 1 dự án sân bay đồng thời triển khai xây dựng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn.
Giai đoạn 2 nối tiếp sẽ tiếp tục giải phóng 2.250 ha còn lại (tổng diện tích dự án sân bay là 5.000 ha; có 6 xã với khoảng 4.500 hộ dân bị giải tỏa, trong đó có xã Suối Trầu bị giải tỏa trắng).
Để việc bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án sân bay Long Thành được thuận lợi, cũng như việc triển khai quy hoạch khu vực xung quanh sân bay Long Thành suôn sẻ, bài bản, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái yêu cầu huyện Long Thành và các huyện xung quanh có biện pháp thắt chặt quản lý, kiểm soát nạn “cò” đất và đầu cơ đất.
“Để tránh tình trạng lộn xộn, tập trung cho thực hiện dự án, yêu cầu các huyện phải quản lý thật chặt đất đai khu vực xung quanh sân bay, không để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép…” – ông Thái nhấn mạnh.
Gần 100 dự án bất động sản bao quanh
Theo thống kê, hiện tại bao quanh dự án sân bay Long Thành với bán kính rộng bao gồm cả các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, TP Biên Hòa… có đến cả trăm dự án bất động sản “ăn theo” dự án cảng hàng không. Trong đó, các dự án đất nền có lượng giao dịch khá cao; còn các dự án biệt thự, nhà liền kề thì ít được quan tâm hơn. Liên quan đến quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành, tại các thời điểm “nhạy cảm”, có hiện tượng mua đất đầu cơ, “cò” đất thổi giá khiến tình hình trong vùng trở nên lộn xộn. Theo đó, có những lúc giá đất nền được đẩy lên 6,3 triệu đồng/ m2. Vấn đề này, các đơn vị liên quan của tỉnh Đồng Nai từng cảnh báo người mua coi chừng… hố! |