ThienNhien.Net – Chính phủ Trung Quốc đang nuôi hy vọng việc phát triển thủy điện có thể giúp chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những con đập mới cũng đồng nghĩa với những thiệt hại lớn về môi trường.
Theo kế hoạch khí hậu quốc gia được Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 6/2015, việc Trung Quốc chạm ngưỡng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 hay sớm hơn là phụ thuộc chủ yếu vào việc chuyển đổi từ nhiệt điện than sang nhiên liệu phi hóa thạch.
Đây có vẻ là một kế hoạch có lợi cho môi trường tại các thành phố lớn ven biển và khu vực khai thác mỏ, nơi không khí, nước và đất bị dồn tích độc tố do lạm dụng than đá trong thời gian dài. Tuy nhiên, mục tiêu thay thế nhiên liệu phi hóa thạch cho khoảng 20% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc vào năm 2030 có thể sẽ thúc đẩy việc xây dựng một loạt công trình đập mới tại vùng sinh thái Tây Tạng vốn đã rất dễ tổn thương, đặc biệt là ở khu vực miền Tây nghèo khó.
Thủy điện phát thải lượng khí nhà kính ít hơn nhiều lần so với than đá song chuyển đổi từ than sang thủy điện cũng ẩn chứa những rủi ro không hề nhỏ. Chẳng hạn, hiệu suất thấp của thủy điện vào mùa khô có thể làm tăng nhu cầu dự trữ năng lượng từ than đá, chưa kể đến hệ thống lưới điện yếu và nguy cơ xung đột với các nước láng giềng của Trung Quốc do hoạt động xây đập trên các dòng sông quốc tế.
Thủy điện liệu có phải vị cứu tinh xanh?
Thủy điện là nguồn cung cấp năng lượng lớn thứ hai Trung Quốc sau nhiệt điện. Công suất lắp đặt thủy điện của quốc gia này dự kiến tăng lên 350 gigawatt (GW) vào năm 2020 so với công suất 300 GW hiện tại. Trung Quốc sở hữu tới một nửa trong tổng số 80.000 con đập trên toàn thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Brazil và Canada cộng lại.
Chính quyền Trung Quốc hy vọng rằng quy mô thủy điện lớn có thể giúp giảm bớt khói bụi độc hại gây nên những vấn đề sức khỏe do nhiệt điện than hiện đang gây bất bình trong công chúng. Theo Greenpeace, mức sử dụng than đá tại Trung Quốc đã giảm gần 8% trong bốn tháng đầu năm qua khi điện năng từ các nhà máy thủy điện bắt đầu hòa vào cùng lưới điện.
Mặc dù là nhà xây dựng đập lớn nhất thế giới, nguồn thủy điện dồi dào hiện vẫn chưa được Trung Quốc phát triển như tiềm năng vốn có, khiến quốc gia này đang phải phụ thuộc vào than đá. Nếu khai thác hết tiềm năng thủy điện còn lại, quốc gia này có thể đáp ứng được 1/5 nhu cầu năng lượng ở kịch bản cao, thay thế cho khoảng 1,3 tỷ tấn than. Những người ủng hộ thủy điện cho rằng công suất thủy điện hiện tại có thể tăng gấp đôi đến mức 540 GW vào năm 2050.
Thay thế than bằng thủy điện có thể mang lại không khí trong lành hơn song người dân sống ở khu vực hẻo lánh có hệ sinh thái dễ bị tổn thương phía tây nam Trung Quốc, nơi ít nhất 80% các con đập mới sẽ được xây dựng, sẽ phải trả giá đắt về mặt môi trường.
Các nhà hoạt động môi trường Trung Quốc đã kêu gọi lập tức dừng các dự án thủy điện lớn làm hủy hoại hệ sinh thái sông, môi trường sống của cá và những nguy cơ mất an toàn trong các khu vực dễ xảy ra động đất.
Mật độ các con đập dự kiến sẽ đặc biệt dày đặc tại Kim Sa (thượng nguồn sông Dương Tử) với tổng công suất cao gấp 5 lần đập Tam Hiệp. Những công trình này sẽ không chỉ ngăn dòng nước mà còn giữ lại phù sa, gia tăng nguy cơ sụt lún ở đồng bằng sông Dương Tử và lũ lụt trên khắp các thành phố lớn như Thượng Hải. Các hệ thống đập khác sẽ ngăn dòng chảy của các con sông quốc tế như Mê Công, Brahmaputra, làm gia tăng căng thẳng với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á phía hạ lưu.
Thiếu hiệu quả và còn nhiều thách thức
“Thủy điện sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn được nhiệt điện. Lưu lượng dòng chảy theo mùa khiến sản lượng thủy điện không ổn định. Một số khu vực phải xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng,” Fan Xiao, nhà địa chất học kiêm kỹ sư trưởng tại Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên cho biết. Theo ông, cái gọi là thủy điện ‘xanh’ thực chất lại thúc đẩy xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới ở phía tây nam Trung Quốc.
Thực tế cho thấy cứ mỗi con đập thủy điện mới được xây dựng ở phía tây nam Trung Quốc, thì một nhà máy điện đốt than cũng được bổ sung xây dựng. Tỉnh Quý Châu còn xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than hơn cả thủy điện để đảm bảo nguồn cung ổn định trong mùa khô. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây và Vân Nam.
Công suất lắp đặt từ thủy điện của Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng lại đóng góp vô cùng khiêm tốn trong tổng sơ đồ điện. Xây dựng vội vã, cộng với các vấn đề kỹ thuật khác, đập Trung Quốc rất kém hiệu quả với hệ số công suất trung bình là 31%, chỉ tương đương hai phần ba mức trung bình của thế giới (Hệ số công suất là tỷ lệ điện năng sản xuất ra so với công suất lắp đặt).’
Phần lớn các nhà máy thủy điện dự kiến sẽ được xây dựng ở các vùng núi xa xôi phía tây nam, có nghĩa một lượng điện lớn sẽ bị thất thoát trước khi truyền tải tới các nhà máy phía nam Trung Quốc. Lượng điện thất thoát có thể đủ cung cấp cho cả Anh và Đức trong vòng một năm do quy hoạch kém và cơ sở hạ tầng lưới điện yếu, theo thông tin từ Tạp chí Reuters.
Cùng lúc đó, phát triển thủy điện lại thúc đẩy các ngành công nghiệp ngốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm do chính quyền địa phương cố gắng tận dụng nguồn điện từ vùng sâu vùng xa. Điển hình là các nhà máy lọc nhôm tại Lệ Giang, nằm ngay cạnh một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Trung Quốc tại Vân Nam.
Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu khiến việc phát điện từ mực nước sông thay đổi khó lường ngày càng trở nên không khả thi trong tương lai. Năm 2011, hạn hán đỉnh điểm khiến sản lượng thủy điện tại Vân Nam giảm một nửa; hơn 1.000 con đập tại miền trung Trung Quốc đã buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, bất chấp các chi phí tài chính và tổn thất về môi trường, thủy điện vẫn sẽ đóng vai trò thiết yếu trong một tương lai không có carbon. Đó là khẳng định của chuyên gia năng lượng Darrin Magee – người đồng hành cùng chính phủ Trung Quốc trong nghiên cứu về tương lai của năng lượng tái tạo.
Theo dự báo trong lộ trình cơ bản cho đến năm 2050 vừa được công bố tháng Tư năm nay, 86% nguồn điện Trung Quốc vào năm 2050 sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Trong trường hợp hệ thống lưới điện được quản lý tốt, sử dụng công cụ lưới điện thông minh, thủy điện có thể thay thế than với nguồn năng lượng ổn định và bù lấp những giai đoạn thất thường của phong điện và quang năng. Song, vẫn còn một số trở ngại, như hiện Trung Quốc chưa có quy chế đưa năng lượng tái tạo vào lưới điện hay chưa đưa dự đoán vào công tác vận hành đập nhằm điều phối điện năng. Việc xả nước nhanh do khả năng dự đoán mức tải đỉnh hiện nay chưa tốt dẫn đến sạt lở đất và xói mòn quanh hồ chứa, gây tác động tiêu cực tới vùng hạ lưu.