ThienNhien.Net – Sẽ chẳng mấy ai ngạc nhiên khi biết rằng đại dương đang chứa một khối lượng chất thải nhựa khổng lồ. Trong khi ai cũng đều biết đến những hiện tượng như đảo rác nhân tạo, nơi dồn tích rác nhựa và các loại rác thải khác tại vùng cận nhiệt đới phía Bắc Thái Bình Dương, thì tác động của rác nhựa trên biển tới động vật hoang dã toàn cầu vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra mối nguy hại của rác nhựa đối với chim biển, nghiêm trọng và với quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết.
Một nhóm nghiên cứu từ Úc đã cho chạy mô hình về mật độ nhựa trên các đại dương và đối chiếu với phạm vi sinh sống của 186 loài chim biển, kèm theo các tài liệu nghiên cứu phát hiện 81 loài chim biển có nhựa trong ruột tính đến nay.
Theo báo cáo mới đăng trong Tuyển tập của Học viện Khoa học Quốc gia, số loài và tỷ lệ cá thể chim biển được phát hiện có nhựa bên trong cơ thể đều có xu hướng tăng theo thời gian. Theo đó, các nhà khoa học kết luận trung bình 90% cá thể chim biển đang chứa chất thải nhựa trong cơ thể và dự báo chất thải nhựa sẽ có thể được tìm thấy trong 95% cá thể của tổng số 99,8% các loài chim biển cho đến năm 2050. Điều đó có nghĩa cho đến giữa thế kỷ 20, nhựa sẽ có trong gần như mọi con chim biển trên thế giới.
Nhựa có thể chiếm chỗ trong dạ dày, chặn đường tiêu hóa, hoặc khiến các loài chim biển ngộ độc. Không những bản thân chứa các chất hóa học, nhựa còn có khả năng hấp thụ thêm độc tố từ nước biển và giải phóng khi đi vào cơ thể.
Mức ảnh hưởng của nhựa biển phụ thuộc vào lượng mảnh vụn trôi nổi trong nước và số lượng chim biển sinh sống trong khu vực đó. Sơ đồ nghiên cứu về những rủi ro đối với hệ tiêu hóa của chim biển cho thấy những con chim biển sống quanh biên giới phía bắc khu vực Nam Đại Dương, đặc biệt là biển Tasman (nằm giữa Australia và New Zealand) và phía Tây Nam Ấn Độ Dương chịu rủi ro lớn nhất từ nhựa trôi nổi trên biển.
Trước đây, các nhà khoa học từng nhận định Nam Đại Dương là nơi chịu tương đối ít tác động từ con người, thế nhưng nghiên cứu mới cho thấy đã có quá nhiều nhựa thải vào đại dương trong một khoảng thời gian dài đến mức một lượng nhựa đáng kể đã trôi dạt đến khu vực tưởng như cô lập này. Mặc dù rác nhựa không tập trung nhiều như một số vùng khác, Nam Đại Dương lại là một điểm nóng về đa dạng chim biển, và lượng nhựa hiện tại đã đủ để trở thành một mối lo ngại lớn.
Biển càng nhiều rác nhựa thì càng nhiều chim biển ăn phải nhựa. Ngày nay, với gấp đôi sản lượng nhựa nhân tạo được sản xuất mỗi năm, biển ngày càng phải hứng chịu nhiều rác nhựa. Nhưng đó không phải là một thực tế hiển nhiên không thể thay đổi. Trong vài năm gần đây, lượng rác nhựa được loài hải âu phía bắc tiêu thụ đã giảm. Đó có thể là kết quả việc việc hạn chế rác thải nhựa xuống nước của các nhà sản xuất ở Bắc Âu.