ThienNhien.Net – “Ngôi nhà gấu” về chiều. Những tia nắng ấm hiếm hoi từ cổng trời Tam Đảo rọi xuống các gian phòng, đánh thức hơn 100 cá thể gấu tật nguyền, tội nghiệp. Bên ngoài tường rào điện, ông Tuấn tay xách từng xô thức ăn vào trong khu bán hoang dã, tỉ mỉ giấu vào các ống tre, hộp nhựa, gáo dừa được treo cao để tạo đồ làm giàu, kích thích khả năng tìm kiếm thức ăn cho gấu.
Sau gần 30 phút tạo đồ làm giàu, ông Tuấn ra hiệu cho các nhân viên bảo vệ các gian nhà của gấu mở cửa cho các cá thể gấu chạy ra đánh mùi, tìm kiếm thức ăn bằng bản năng hoang dã của mình. Sau khi “đánh chén” xong khẩu phần ăn, các cá thể gấu tiếp tục vui chơi bằng các trò chơi được bố trí sẵn như võng, bánh xe, đu lắc…
Tìm lại bản tính hoang dã cho gấu
Vốn là người làm nghề lái xe tải, thế nhưng chỉ qua một thời gian ngắn tiếp xúc với các cá thể gấu ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (tại Vườn quốc gia Tam Đảo), ông Châu Văn Tuấn đã trở thành “nhà nghiên cứu” đồ chơi, góp phần phục hồi bản năng hoang dã cho hàng chục cá thể gấu “thương binh” vốn được nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước, với mục đích chích hút lấy mật.
Chia sẻ với phóng viên báo VietnamPlus, ông Tuấn kể, năm 2007 bắt đầu về làm, nơi đây chỉ có 4 con gấu nhỏ – chúng nghịch ngợm, năng động như những đứa trẻ. “Đến khi trung tâm đón nhận gấu to về, nói thực là mình cũng có cảm giác lo vì chúng là động vật hoang dã, khó thuần. Thế nhưng nhờ làm việc theo quy trình, đảm bảo an toàn nên việc chăm sóc gấu dần dần đã trở nên gần gũi hơn.”
Giờ đây, sau gần 10 năm gắn bó với “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam, ông Tuấn đã được phân công làm Giám sát đội công nhân chăm sóc 139 cá thể gấu vốn được cứu hộ từ các vụ buôn bán bất hợp pháp và nuôi nhốt trong các trang trại ở các tỉnh thành trên cả nước, với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Theo ông Tuấn, đa số các cá thể gấu khi được cứu hộ về Trung tâm đều trong tình trạng sức khỏe rất yếu, răng vỡ hoặc sâu nghiêm trọng do cắn vào các thanh cũi sắt, chân tay sừng hóa nứt nẻ do bị nhốt nhiều năm trong cũi sắt không vận động di chuyển, có những cá thể bị mù mắt, cụt chi. Tại Trung tâm, hiện có đến 4 cá thể gấu bị mù hoàn toàn, 2 chú mất một mắt, 17 gấu bị mất chi, 6 gấu bị thương tật ở chi do bị bẫy ngoài tự nhiên, hoặc bị thương tổn.
“Chính vì thế, để tạo môi trường sống cũng như rèn luyện kỹ năng cho gấu, tôi đã nghiên cứu ra các loại trò chơi, dụng cụ làm giàu (cất giấu thức ăn, tìm kiếm thức ăn, đánh mùi) dành cho gấu tùy theo tính cách, khả năng sức khỏe và chiều cao, cân nặng của các cá thể gấu…,” ông Tuấn chia sẻ.
Chia sẻ về việc thiết kế trò chơi cho gấu, ông Tuấn cho biết, qua kinh nghiệm tiếp xúc với gấu, ông đã nghĩ ra các trò chơi phù hợp với bản năng của từng cá thể. Ví dụ, gấu bị nuôi nhốt, giam cầm trong các trang trại, lồng chật hẹp, khi đưa về trung tâm dù được sống trong khu bán hoang dã rộng lớn, được vui đùa, nhưng nếu không có các trò chơi, thú vui để khơi gợi lại bản năng hoang dã cho gấu thì cũng không khác gì giam cầm chúng.
Cũng theo ông Tuấn, việc tìm kiếm lại bản năng hoang dã cho gấu sau một thời gian dài bị giam cầm hoàn toàn là do con người (anh em công nhân chăm sóc gấu). “Đã gắn bó với gấu thì phải hiểu được tính cách của chúng. Có những hôm, mình nghĩ ra cái trò chơi rất điên rồ như đu lắc, nằm võng…, nhưng gấu lại rất thích.”
Đơn cử như các cá thể gấu mất, cụt chi (tay, chân), ông Tuấn nghĩ ra trò chơi đơn giản như cái võng cứu hỏa thấp và đồ chơi cho thấp xuống. Những con di chuyển chẩm lại làm đa dạng hóa trò chơi đặt trên mặt đất như bánh xe ôtô, lăn thùng nhựa. Đối với cá thể gấu khỏe mạnh, nhanh nhẹn thì tạo cột leo trèo, chơi bóng, đồ chơi treo cao…
“Gấu cũng như đứa trẻ, chúng cần được yêu thương”
Không chỉ tạo trò chơi, ông Tuấn còn tạo ra cách làm giàu thức ăn cho gấu. Với cách làm đơn giản, thức ăn được cho vào trong các ống tre, hộp nhựa, gáo dừa, sau đó treo cao trong chuồng hoặc ngoài sân chơi để gấu trèo lên nhâm nhi, nhấm nháp. Theo ông Tuấn, điều này tốt cho sức khỏe gấu, góp phần kích thích gấu vận động để dần giúp chúng lấy lại bản năng tự nhiên.
Sau một thời gian dài sống trong trung tâm cứu hộ, giờ đây các cá thể gấu đã thay đổi rất nhiều, có những con khi cứu hộ về chân tay đã lở loét, có con mất răng, cụt chi và mù mắt, di chuyển chậm chạp, nhưng dần dần đã trở nên nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhờ được chăm sóc bài bản và vui chơi tự do.
“Tôi luôn cảm thấy xúc động mỗi khi nhìn thấy những chú gấu lần đầu tiên được ra khu bán tự nhiên. Đó là lần đầu chúng được cảm nhận thế nào là cỏ dưới chân và nắng ấm trên lưng, được vui đùa với những thứ trò chơi thân quen. Nhất là những chú gấu đã được nuôi nhốt trong trại gấu từ khi là gấu con, thì đây chính là ‘ngôi nhà’ an toàn cho chúng,” ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho biết, ngoài việc làm giàu thức ăn, sáng tạo trò chơi cho gấu, các bác sĩ và điều dưỡng viên ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cũng phải làm việc một cách miệt mài, chăm bẵm cho gấu từng ngày. Điều thú vị ở chỗ, khi về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên, ghi rõ hồ sơ theo dõi lai lịch, sức khỏe.
Hiện tại, Trung tâm đang có tất cả 139 cá thể gấu, trong đó có nhiều cá thể bị mất chi, mù mắt, tàn tật và ốm đau. Thế nhưng, tất cả đều được ông Tuấn và đội ngũ nhân viên chăm sóc tận tình, và được đặt tên như những đứa trẻ vừa chào đời với các tên khác nhau. Có con mang tên Việt Nam, chẳng hạn như Nhân Ái, Chiến Thắng, Yên Bái. Lại có con mang tên nước ngoài, như Vandrew, Zebedee.
Gắn bó và làm việc tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, trong khuôn viên Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) suốt gần một thập kỷ, giờ đây ông Tuấn cũng như “người cha” chăm chút từng bữa ăn, tìm kiếm trò chơi cho từng cá thể gấu, để chúng được sống với bản năng hoang dã của mình.
“Cũng như các loài động vật hoang dã khác, gấu nên được sống trong môi trường tự nhiên mà vốn dĩ là của chúng. Chúng cần được đối xử nhân đạo. Và chúng sinh ra không phải để phục vụ mục đích của con người, để bị nhốt trong cũi sắt và bón