Loài ếch thông minh biết nhớ đường về

ThienNhien.Net – Loài ếch có cái tên gây tò mò – “Ếch hình đùi” (Allobates femoralis) thuộc họ ếch phi tiêu độc mới được phát hiện là có khả năng ghi nhớ đường về, theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Biologu Letters.

“Ếch hình đùi” (Allobates femoralis) (Ảnh: Dự án Femoralis)
“Ếch hình đùi” (Allobates femoralis) (Ảnh: Dự án Femoralis)

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Viên, Áo đã quyết định tìm hiểu khả năng xác định, nhận dạng và ghi nhớ không gian của loài ếch hình đùi bằng cách theo dõi những “chuyến du hành” của chúng từ khi rời khỏi lãnh thổ đến khi trở về trong khu rừng Trung Nam Mỹ. Họ dành hơn 3 tháng làm việc tại trụ sở Sant Pararé thuộc Khu bảo tồn Les Nouragues ở Guyane thuộc Pháp, nơi họ nghiên cứu loài ếch này từ năm 2008.

Các loài ếch nhiệt đới rất đa dạng về hành vi sinh sản và không gian, trong đó ếch phi tiêu độc là loài có hành vi không gian phức tạp nhất trong số các loài động vật lưỡng cư. Nghiên cứu những hành vi cùng cơ chế điều hướng của chúng sẽ là những kiến thức đầu tiên về cách thức mà môi trường giúp hình thành khả năng trí tuệ của động vật.

Được đặt tên bởi cặp đùi sặc sỡ, Ếch hình đùi sống về ban ngày trên thảm cỏ rừng thuộc vùng Amazon. Con đực – đối tượng tập trung của nghiên cứu – có xu hướng bảo vệ lãnh thổ và là những tay cai trị chuyên quyền trong khoảng đất nhỏ của chúng – khoảng 13,9 m2. Chúng lớn tiếng tuyên bố chủ quyền với những bạn đời tiềm năng và cảnh báo kẻ thù, bảo vệ lãnh thổ khỏi những kẻ xâm phạm.

Hai con ếch đực đang chiến đấu dành lãnh thổ. (Ảnh: Dự án Femoralis)
Hai con ếch đực đang chiến đấu dành lãnh thổ. (Ảnh: Dự án Femoralis)

Môi trường sống dày cỏ chính là thách thức đặc biệt đối với chúngmà những loài khác không gặp phải. Để đối mặt với thách thức đó, chúng đã phát triển khả năng thích ứng cho phép thường xuyên đi về lãnh thổ của mình.

Ếch đực thường mang nòng nọc từ nơi ở đến những nơi có nước an toàn – có thể là những bãi đầm hay một dấu chân thú. Trong quá trình tìm kiếm địa điểm phù hợp, chú ếch lặng lẽ trở thành một kẻ du hành gan dạ đưa những đứa con đi xa khoảng 180 mét từ mảng cỏ của mình. Cuộc du ngoạn ngoài lãnh thổ trên những khoảng rừng rộng lớn chính là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự hình thành một bản đồ không gian giúp chú ếch có thể tìm về.

Công việc chuyển nòng nọc mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Cái giá trực tiếp cho thời gian này là nguy cơ mất cơ hội sinh sản hoặc mất lãnh thổ. Bằng cách sử dụng nhận thức về không gian để ghi nhớ đường đi, ếch có thể giảm thời gian vận chuyển nòng nọc và quay trở về một cách nhanh nhất.

Một loài ếch có khả năng ghi nhớ không gian khi chúng “hiểu” được mối quan hệ giữa các khung cảnh. Ví dụ, nếu lãnh thổ của chúng nằm dưới một cây sung, chúng phải nhớ khung cảnh xung quanh cái cây đó như thế nào và sử dụng cái cây đó như một dấu hiệu để tìm về. Cơ chế này giống như cách con người ghi nhớ một góc phố quen thuộc, được gọi là có khả năng ghi nhớ không gian.

Một chú ếch đực được gắn thiết bị theo dõi đang đưa nòng nọc từ nơi ở đến nơi phát triển có thể cách đó vài trăm mét. (Ảnh: Dự án Femoralis)
Một chú ếch đực được gắn thiết bị theo dõi đang đưa nòng nọc từ nơi ở đến nơi phát triển có thể cách đó vài trăm mét. (Ảnh: Dự án Femoralis)

Khả năng này xuất hiện nhiều ở những động vật có xương sống nhưng lại ít được biết đến ở các loài động vật lưỡng cư nói chung, hay ở loài ếch phi tiêu độc nói riêng. Trước đây,trong các lớp động vật học, loài ếch thường được sử dụng làm ví dụ về hành vi được “lập trình” từ trước mà không phụ thuộc vào kinh nghiệm sống. Quan điểm này đang được chứng minh ngược lại bằng cách chỉ ra ít nhất một vài động vật lưỡng cư có hành vi không gian phức tạp không thể giải thích được nếu khôngcó khả năng tiếp thu từ kinh nghiệm.

Các nhà nghiên cứu đã gắn máy phát tín hiệu vào 46 con ếch đực có bản năng lãnh thổ mạnh mẽ, sau đó đưa chúng đến một nơi khác trong các hộp kín gắn cần xoay nam châm nhằm ngăn mọi cảm nhận giúp chúng trở về.

Trong số đó, một vài con được đặt ở những địa điểm giống nơi ở của chúng, một số khác được đặt bên kia sông, tạo ra rào cản tự nhiên khi chúng di chuyển. Kết quả, những chú ếch được đặt ở nơi có môi trường sống tương tự đã đi thẳng về lãnh thổ một cách đáng kinh ngạc. Trong khi đó, số còn lại ở bên kia sông, một nơi chúng chưa đến bao giờ lại không thể trở về.

Chú ếch đực gắn thiết bị theo dõi đang trên đường trở về lãnh thổ sau khi được đem đi nơi khác, với một chú bọ đuôi bật quá giang trên đầu. (Ảnh: Dự án Femoralis)
Chú ếch đực gắn thiết bị theo dõi đang trên đường trở về lãnh thổ sau khi được đem đi nơi khác, với một chú bọ đuôi bật quá giang trên đầu. (Ảnh: Dự án Femoralis)

Đối với những chú ếch, hành trình quay về lãnh thổ chỉ như một cơn gió, nhưng với các nhà khoa học thì ngược lại. Họ phải bám theo những chú ếch nhỏ bé này trong rừng rậm suốt 7 ngày dưới bất cứ điều kiện nào. Những đoạn cây đổ hay bụi dây leo là địa hình quen thuộc đối với ếch, trong khi các nhà phải vất vả leo trèo trong rừng rậm giữa trận mưa nhiệt đới như trút nước, cố lắng tai nghe những tiếng động yếu ớt.

Việc những con ếch có thể đi thẳng về nơi ở khi được thả trong khu vực lân cận nhưng lại không thể định hướng ở các nơi không quen thuộc trong thử nghiệm cho thấy kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc tìm đường. Các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng ghi nhớ không gian của loài ếch hình đùi rất có thể cũng xuất hiện ở các loài ếch khác thuộc họ ếch độc.

Một trong các nhà nghiên cứu, Ian Warrington, đang kiểm tra nơi ngủ của một trong những chú ếch được thử nghiệm bằng dụng cụ định hướng hòa âm. (Ảnh: Dự án Femoralis)
Một trong các nhà nghiên cứu, Ian Warrington, đang kiểm tra nơi ngủ của một trong những chú ếch được thử nghiệm bằng dụng cụ định hướng hòa âm. (Ảnh: Dự án Femoralis)

Một trong các chỉ số bảo tồn thường dùng là khả năng sinh sản và mở rộng lãnh thổ, trong khi môi trường thay đổi có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hướng của các động vật sống tại đó. Việc sinh sản của nhiều loài ếch phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ môi trường sống. Vì vậy, kết quả nghiên cứu này vô quan trọng trong việc bảo tồn các loài lưỡng cư trên thế giới, khi 41% loài này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng theo IUCN.

Nguồn:
Mai Anh (Theo Mongabay)