ThienNhien.Net – Mặc dù thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhiều phần của thành phố Bangalore, phía nam Ấn Độ được bao phủ bởi một màu trắng như tuyết. Quang cảnh “mùa đông” giữa vùng nhiệt đới này là kết quả của sự ô nhiễm nghiêm trọng của một số ao, hồ trong vùng.
Hồ lớn nhất thành phố – hồ Bellandur rộng 9.000 mẫu Anh, là địa điểm ô nhiễm nhất. Mỗi khi trời mưa, hóa chất độc hại tích tụ trong hồ hàng thập niên qua tạo thành lớp bọt trắng xóa. Lớp bọt này chứa các chất thải như dầu, mỡ, chất tẩy rửa. Đôi khi chúng bắt lửa và gây hỏa hoạn.
“Mỗi khi trời mưa, bọt trắng bao phủ khắp vùng gây cản trở tầm nhìn và mùi hôi thối. Chúng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cư dân” – một người dân sống cách hồ Bellandur cho biết.
T.V. Ramachandra, một trong những nhà khoa học môi trường hàng đầu của thành phố, đã đệ trình báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của hồ Bellandur lên chính quyền sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do bọt ô nhiễm hồi tháng 6. Bản báo cáo mô tả chi tiết nguyên nhân và hiện trạng ô nhiễm và các nguy cơ đối với khu vực dân cư xung quanh.
Chính quyền thành phố không thể làm điều gì để cải thiện tình hình. Dân số thành phố tăng gấp đôi (đạt 10 triệu dân) trong 20 năm qua. Các quan chức đã không thể quản lý sự ô nhiễm môi trường phù hợp với đà tăng trưởng của thành phố.
thành phố ngàn hồ Bangalore hiện nay trở thành “vùng đất ngàn xe nước thải”. Hồ Bellandur là điểm cuối nguồn của một chuỗi các hồ nước trong khu vực. Mỗi ngày, hơn 130 triệu lít nước thải công nghiệp, gia đình chảy về đây. Lượng bọt trắng do chất thải dày lên càng nặng mùi hơn mỗi năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống dân cư.
Sự ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh như đau đầu, chóng mặt, bệnh dạ dày cho người dân xung quanh.
Theo quan chức địa phương, chính quyền đã ban hành quyết định để thành phố xây dựng kế hoạch xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước và bọt chất thải. Các kỹ sư công trình thoát nước khảo sát và đề xuất phương án xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề kinh phí do địa phương không đủ khả năng chi trải 156 triệu USD cho hệ thống xử lý nước thải này.