ThienNhien.Net – Tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Lewa, phía bắc Kenya, một sự kiện chưa từng có từ trước đến nay đã diễn ra vào đầu năm 2015: tê giác đen được chuyển đến khu bảo tồn Cộng đồng Sera, nơi 25 năm qua không hề xuất hiện loài động vật này. Đây là lần đầu tiên việc bảo tồn loài tê giác có nguy cơ tuyệt chủng được chính phủ các nước Đông Phi tín nhiệm giao cho cộng đồng thay vì các nhà khoa học hay chuyên gia bảo tồn.
Số lượng tê giác đen (tên khoa học là Diceros bicornis) đã giảm 90% trong vòng ba thế hệ, và loài này đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách cực kì nguy cấp trong Sách đỏ. Các chuyên gia bảo tồn tê giác cho biết, việc chuyển những con tê giác đen đến các khu vực khác là cần thiết cho sự sinh tồn của chúng, đặc biệt là khi Lewa đang phải đối mặt với áp lực duy trì quần thể tê giác khỏe mạnh và đang tăng dần, trong bối cảnh chỉ còn khoảng 630 cá thể trên khắp lãnh thổ Kenya. Chính vì vậy, tháng 5 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã chuyển 10 con tê giác đen tới Khu bảo tồn Cộng đồng Sera.
Trước đây, Sera từng là quê hương của tê giác đen với môi trường sống tuyệt vời tách biệt khỏi thành thị và khu vực dân cư. Kỳ vọng của dự án là vô cùng lạc quan với tỉ lệ sinh sản dự kiến tăng lên mức 5% hàng năm sau khi ổn định quần thể di chuyển, từ đó cho phép đưa các cá thể mới đến các khu bảo tồn khác trong tương lai.
Không những vậy, dự án cũng hi vọng sẽ mang lại hòa bình trong khu vực, từ đó cải thiện điều kiện sống của người dân xung quanh và trong khu vực bảo tồn thông qua cơ hội việc làm, giáo dục và sinh kế.
Thí điểm tại Sera là bước quan trọng đầu tiên trong công tác bảo vệ môi trường sống cho loài tê giác đen trong tương lai, là dự án điểm cho việc chuyển tê giác cho cộng đồng bảo vệ. Nếu thành công, nỗ lực chuyển tê giác sẽ được nhân rộng tại Sera và các khu bảo tồn lân cận.
Được hình thành vào năm 2001 thông qua sự giúp đỡ của Quỹ Northern Rangelands (NRT), nỗ lực bảo tồn trên đang ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ từ các vườn thú quốc tế cho tới các nhà hảo tâm. Các bên liên quan đều tin rằng thành công của dự án không chỉ phụ thuộc vào các nhà quản lý cộng đồng Sera mà còn dựa vào đối thoại liên tục giữa chính phủ và các tổ chức bảo tồn cộng đồng.
“Thành công của công tác bảo tồn tại Kenya sẽ dựa trên việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác cộng đồng công-tư, bởi có đến hơn 60% động vật hoang dã đang sống ngoài các khu vực bảo tồn của chính phủ, hiện do cộng đồng quản lý. Cộng đồng sẽ được tham gia một cách chủ động vào công tác bảo tồn, chứ không còn bị động như trước,” Giám đốc khu bảo tồn Geoffery Chege khẳng định.
Theo chuyên gia Lemaivan, bảo tồn tê giác cần một cách tiếp cận mới thay cho súng ống, luật pháp hay các biện pháp cứng rắn. Quỹ NRT đã có những thành công đáng kể trong việc xoa dịu những khu vực xung đột, giảm thiểu nạn săn bắn voi và tê giác trong vòng 3 năm qua chỉ bằng cách cung cấp các nguồn lực như nguồn nước, tạo thị trường buôn bán gia súc cho người dân địa phương và trao quyền cho phụ nữ thông qua các nghề thủ công.
Chuyên gia Lemaivan cho rằng thành công phụ thuộc phần lớn vào đối thoại mở giữa các nhà lãnh đạo cộng đồng và người dân địa phương. Loài tê giác đen có thể tìm thấy hi vọng sống sót nhờ sự can thiệp tích cực của con người.