ThienNhien.Net – Sau động thái xử phạt một loạt các trang trại phía Nam sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tháng 9, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục trường hợp sử dụng chất độc hại này để vỗ béo đàn lợn. Nhiều người cho rằng, cần bổ sung chế tài để xử lý mạnh tay hơn nữa, vì dùng chất cấm trong chăn nuôi chính là hành vi đầu độc sức khỏe người dân.
Chỉ phạt tiền liệu có kết quả?
Kết quả công bố của Thanh tra Bộ NN&PTNT về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó, kiểm tra một trang trại tại TP.HCM cho kết quả vượt gấp 650 lần ngưỡng an toàn cho phép vẫn còn khiến người tiêu dùng bàng hoàng. Trong tháng 9 vừa qua, lực lượng chức năng khu vực phía Nam tiếp tục phát hiện nhiều trang trại, hộ dân sử dụng những hóa chất “chết người” này để vỗ béo đàn lợn.
Theo đó, trong tháng 9, ngành thú y Đồng Nai đã lấy mẫu kiểm tra ở 88 trại chăn nuôi thì có đến 17 mẫu dương tính với chất cấm. Con số này năm 2014 là 12 mẫu dương tính trong số 156 mẫu kiểm tra. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các ngành ở tỉnh Đồng Nai có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng chất cấm.
Theo đó, tỉnh yêu cầu tổ chức giám sát tồn dư chất cấm ở các chợ, bếp ăn tập thể, nhà hàng và nắm chắc các đối tượng có hoạt động vận chuyển, giết mổ mua bán động vật và sản phẩm động vật… Đồng thời UBND tỉnh cũng sẽ có hình thức khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện, tố giác những đối tượng sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm.
Tương tự, vào cuối tháng 9, thanh tra Sở NN&PTNT Tiền Giang đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12 hộ nuôi lợn có 32 mẫu nước tiểu dương tính với chất tạo nạc salbutamol, mức xử phạt 7,5 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, ngành NN&PTNT tỉnh này cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cùng Công an Tiền Giang truy xuất và xử phạt những người cung cấp chất tạo nạc, cơ sở sản xuất và những điểm pha trộn thuốc có chất cấm để bán cho nông dân.
Bất cập trong xử phạt chất cấm
Sở dĩ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại dai dẳng, chỉ chờ dịp lại bùng phát như hiện nay, theo nhìn nhận là do công tác tuyên truyền chưa triệt để, thêm vào đó, việc kiểm soát của các ngành chức năng, địa phương còn chưa chặt chẽ. Và đặc biệt, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe để người cố tình sử dụng chất cấm phải e dè.
Thông tư 57 của Bộ NN&PTNT thông quy định về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi, mức xử phạt tối đa 20 triệu đồng 1 trường hợp, đồng thời lợn sẽ bị giữ từ 3 đến 10 ngày, sau khi xét nghiệm không còn chất cấm thì mới được xuất chuồng.
Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Chúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi cho rằng, đối với đàn lợn đã phát hiện có mẫu dương tính với chất cấm thì ngoài việc xử phạt nặng, nghiêm cần tiêu hủy, nếu tái phạm có thể cấm chăn nuôi trong một thời gian nhất định. Bên cạnh đó, đối tượng thương lái đóng vai trò khá chủ chốt trong việc sử dụng chất cấm, thúc đẩy thậm chí là yêu cầu nông dân sử dụng chất cấm nhưng lại chưa bị xử phạt thích đáng. “Thương lái muốn đàn lợn đẹp, bóng bẩy, nhiều nạc nên nhiều khi họ bắt ép nông dân phải sử dụng chất cấm do họ cung cấp. Nếu không sử dụng họ không thu mua lợn, mà nông dân thì không thể tự tiêu thụ sản phẩm của mình được nên phải phụ thuộc vào đội ngũ thương lái”, ông Đoàn Xuân Chúc nhìn nhận.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng: “Phải xử lý kiên quyết với thương lái để thương lái không lợi dụng đưa chất cấm cho người chăn nuôi sử dụng”.
Theo phân tích của ông Nguyễn Kim Đoán, quy định về kiểm tra, kiểm soát, xử phạt chất cấm trong chăn nuôi hiện còn nhiều bất cập. Cụ thể như, tại các trạm kiểm dịch hiện nay, kiểm dịch thú y chỉ có thể kiểm tra dịch bệnh, chứ không thể kiểm tra và xử lý xe lợn có sử dụng chất cấm hay không. Vì theo quy định của Bộ NN&PTNT, không đặt vấn đề kiểm tra chất cấm, mà chỉ quy định quy trình và hồ sơ kiểm tra dịch bệnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, ông Phạm Minh Đạo cho hay: “Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét lại những quy định trong chế tài. Những vi phạm về việc sử dụng chất cấm, phải xử phạt dừng chăn nuôi. Chúng ta thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, rà soát lại các mức xử phạt, quản lý được nguồn nhập khẩu chất cấm thì thời gian tới sẽ giảm được tình trạng này”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, mặc dù Bộ Luật hình sự có quy định xử lý đối với hành vi sử dụng, tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi, nhưng muốn xử lý hình sự thì hành vi đó phải gây hậu quả nghiêm trọng. “Tuy nhiên, theo chúng tôi, không cần chờ gây hậu quả nghiêm trọng hay không, mà cứ tàng trữ chất cấm trong chăn nuôi là phải xử nghiêm”, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị.