Phát hiện loài cá “biết đi” và khỉ “hắt xì” ở dãy Himalaya

ThienNhien.Net – Khỉ có thể hắt xì như con người và loài cá “biết đi” là hai trong số 200 loài động vật hoang dã được phát hiện trên dãy himalaya trong những năm gần đây. Đây là nội dung bản báo cáo vừa được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WWF) công bố.

Theo báo cáo của WWF, từ năm 2009 đến năm 2014, các nhà khoa học đã phát hiện 211 loài mới, trong đó có 133 loài thực vật, 26 loài cá, 10 loài động vật lưỡng cư, 39 loài động vật không xương sống, một loài bò sát và một loài thú có vú mới.

Nguồn: AP
Nguồn: AP

Loài cá biết đi được WWF miêu tả có màu xanh, đầu giống đầu rắn, hít thở khí trời, có thể sống trên cạn trong 4 ngày và có thể trượt được khoảng 400m trên nền đất ẩm ướt.

Vào năm 2010, các nhà khoa học cũng phát hiện ra loài khỉ có màu đen trắng ở phía Bắc Myanmar, mũi loài khỉ này có cấu tạo lộn ngược, khiến nó hắt xì khi gặp mưa.

Vì vậy khi trời mưa chúng thường hay ngồi kẹp đầu giữa hai gối để tránh nước mưa chảy vào mũi.

Ngoài ra báo cáo cũng liệt kê một số loài độc đáo khác mới được phát hiện như rắn hổ lục đốm nhiều màu sắc đỏ, vàng, cam trông giống như một mẩu trang sức hay loài cá nước ngọt có nanh như “ma cà rồng.”

Báo cáo của WWF được tổng hợp từ các nghiên cứu môi trường hoang dã mà các nhà khoa học thực hiện ở khu vực có hệ sinh thái thiên nhiên nhạy cảm ở Bhutan, Đông Bắc Ấn, Nepal, Bắc Myanmar và phía Nam Tây Tạng.

Báo cáo này cũng chỉ ra một loạt mối đe dọa tới môi trường sống của các loài động vật hoang dã, như sự gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng phá rừng, săn bắn động vật, chăn thả gia súc, khai thác khoáng sản và phát triển thủy lợi.

Trước thực trạng chỉ còn 25% diện tích hệ sinh thái còn nguyên bản, hàng trăm loài có nguy cơ đe dọa toàn cầu, WWF kêu gọi phát triển bền vững trong khu vực, trong đó chính phủ các nước cần đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng những nhà máy thủy điện “xanh” và hỗ trợ cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: