ThienNhien.Net – Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An), nơi có diện tích rừng nguyên sinh lớn, hệ động thực vật phong phú, đang bị chặt phá không thương tiếc
Đường tuần tra biên giới từ xã Hạnh Dịch đến xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An được khởi công từ năm 2011. Đây là tuyến đường cắt ngang vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với tổng chiều dài 22 km. Tuyến đường này thi công ì ạch, kéo dài khiến nhiều diện tích rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ.
Tận thu ngoài ranh giới cho phép
Cuối tháng 9-2015, từ bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch đi theo con đường đang thi công dang dở, đất đá ngổn ngang, chúng tôi vào khu vực rừng nguyên sinh trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đường dốc đứng quanh co, vắng bóng người. Hai bên rừng xanh ngút ngàn với những cây gỗ to, cao 20-30 m. Đi khoảng gần 10 km, chúng tôi bắt gặp nhiều đống gỗ táu, sến, dổi… nằm ngổn ngang trên đường.
Tiến sâu vào khoảng thêm 1 km, tiếng cưa máy gầm rú vang cả một khúc rừng. Tiến lại gần, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang dùng cưa máy cắt các cây gỗ lớn. Men theo lối nhỏ đi vào khoảng 50-100 m theo taluy âm, chúng tôi phát hiện nhiều cây gỗ lớn có đường kính tới 1-1,2 m bị đốn hạ. Vết cắt còn mới, đang rỉ nhựa, không hề thấy dấu búa kiểm lâm. Quay trở ra, lên khu vực taluy dương, cách mép đường 5-10 m, nhiều cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ xuất hiện trước mắt chúng tôi.
Trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cứ khoảng vài trăm mét thì lại có một điểm tập kết gỗ. Gần 15 giờ, trên đường trở ra, chúng tôi gặp một nhóm người thuộc đơn vị được giao tận thu gỗ trong quá trình làm đường đang cầm cưa máy đi vào rừng đốn cây lấy gỗ.
Ông Lê Thái Diệu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết đường làm từ lúc ban quản lý chưa thành lập; khi đó, khu vực nói trên thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương. “Đến giữa năm 2013, chúng tôi mới được giao quản lý. Khi tiếp nhận, chúng tôi thấy gỗ bị chôn vùi, chết trong quá trình làm đường nhiều quá nên làm văn bản xin phép tận thu và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đồng ý. Số gỗ thuộc nhóm 2 đến nhóm 8 với số lượng được phép khai thác, tận thu là trên 1.000 m3” – ông Diệu nói.
Theo thiết kế, chỉ được chặt cây khu vực taluy dương với khoảng cách tối đa là 1,5 m; taluy âm thì đất đá trôi ảnh hưởng đến đâu, có nguy cơ cây chết thì mới được phép chặt. Tuy nhiên, khi chúng tôi phản ánh có dấu hiệu tận thu gỗ ngoài phạm vi cho phép, ông Diệu thừa nhận: “Chắc là anh em có sơ hở nên bị họ lợi dụng khai thác sai, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”.
“Lâm tặc” lộng hành
Vào khoảng 22 giờ ngày 28-9, trên đường tuần tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện một nhóm “lâm tặc” đang tổ chức vận chuyển khối lượng gỗ lớn trái phép. Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhóm “lâm lặc” đã bỏ chạy vào rừng. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 22 cột gỗ Táu Muối đã được cắt thành phẩm, mỗi cột có đường kính 30 cm, dài từ 6-7 m, tổng khối lượng là 8 m3, do các “lâm tặc” khai thác trái phép trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Trước đó, trưa 3-7, nhóm đối tượng gồm: Lương Văn Tâm (40 tuổi), Vi Văn Hoài (36 tuổi), Lữ Văn Dương (39 tuổi), Vi Văn Bình (21 tuổi), đều ngụ xã Thông Thụ, huyện Quế Phong và Cao Minh Quyết (29 tuổi; ngụ xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp) đã vào khu vực vùng lỏi rừng đặc dụng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (sát biên giới Việt – Lào) cưa 3 cây mu (loại sa mu đỏ, thuộc nhóm 2A quý hiếm) hàng trăm tuổi có đường kính khoảng 2,5-2,8 m, cao 35-40 m. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 240 m3 gỗ sa mu đỏ. Cơ quan công an đã bắt giữ và khởi tố cả 5 đối tượng trên về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ và khai thác lâm sản”.
Ông Lê Hải Lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong, cho biết việc bảo vệ rừng, trách nhiệm chính là của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt vì nơi đây có hạt kiểm lâm riêng. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Quế Phong cũng bắt giữ một số vụ vận chuyển trái phép gỗ từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt ra ngoài.
Liên quan đến trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong trong việc giám sát Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt khai thác gỗ tận thu khi thi công tuyến đường tuần tra biên giới Hạnh Dịch – Nậm Giải, ông Lý khẳng định sẽ cử cán bộ vào kiểm tra. “Theo những gì báo chí phản ánh thì chúng tôi thấy có điểm bất thường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện việc khai thác gỗ ngoài ranh giới cho phép thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định” – ông Lý nói.
Nhiều loài động, thực vật quý hiếm
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có tổng diện tích hơn 90.000 ha thuộc địa bàn 9 xã: Tri Lễ, Tiền Phong, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Đồng Văn, Nậm Nhóng, Cắm Muộn và Châu Thôn của huyện Quế Phong. Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã thống kê được 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 142 họ và hơn 30 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. |