ThienNhien.Net – “Chúng ta cần đối xử với Trái đất như với một bệnh nhân… một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch yêu cầu được chăm sóc đặc biệt.” – Đó là lời tựa của Hoàng tử Charles trong báo cáo “Tropical Forests: A Review” về các cánh rừng nhiệt đới.
Hồi tháng Tư vừa qua, Tổ chức Bền vững Quốc tế (International Sustainability Unit) do Hoàng tử Charles sáng lập đã công bố báo cáo nghiên cứu về hiện trạng, tầm quan trọng của các cánh rừng nhiệt đới, những thách thức cũng như giải pháp bảo vệ và phục hồi rừng. Báo cáo nhấn mạnh vai trò của rừng nhiệt đới trong các vấn đề về môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Theo đó, nếu nạn phá rừng được loại bỏ và những cánh rừng bị mất hoặc suy thoái được phục hồi, rừng nhiệt đới có thể giúp giảm đến một phần ba lượng khí thải nhà kính.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục coi nhẹ tình trạng suy giảm của rừng nhiệt đới, mặc dù chúng đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ sinh kế cộng đồng và các dịch vụ hệ sinh thái, cũng như ổn định nền nông nghiệp toàn cầu.
Giả thuyết “một phần ba” được tính toán dựa trên tổng khối lượng các-bon liên quan đến rừng thay vì tính hiệu lượng các-bon được rừng hấp thụ và lượng các-bon do nạn phá rừng thải ra, lần lượt là 14-21% và 12-15%.
Đó là một con số không nhỏ trong mục tiêu giảm thiểu phát thải các-bon, cho thấy tầm quan trọng của rừng nhiệt đới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và việc tiếp diễn chặt phá rừng có thể gây thiệt hại gấp đôi (tăng phát thải CO2 và giảm hấp thụ CO2),trong khi việc loại bỏ thành công nạn phá rừng sẽ nhân đôi lợi ích (giảm thải CO2, đồng thời tăng hấp thụ CO2).”
Một vai trò quan trọng khác của rừng nhiệt đới là duy trì lượng mưa theo vùng cũng như toàn cầu. Theo báo cáo, nạn chặt phá rừng liên tiếp khiến tình hình trở nên xấu đi, thậm chí ảnh hưởng đến cả lượng mưa của các vùng lân cận. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng suy giảm rừng tại Lưu vực Amazon và Congo có thể ảnh hưởng đến cả lượng mưa ở Mỹ và Châu Âu.
Trong khi nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với chức năng hệ sinh thái đang tăng dần, các chương trình hướng tới giảm chặt phá rừng và khuyến khích bảo tồn rừng còn đang trong giai đoạn hình thành và hầu như không có nhiều tiến triển. Chẳng hạn, Chương trình Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng của LHQ (REDD+) đến nay vẫn không đủ tiềm lực tài chính so với mục đầy tham vọng của nó nên chưa có nhiều tiến triển.
Từ các kết quả nghiên cứu, bản báo cáo đề xuất một giải pháp tổng thể hơn trong cuộc chiến chống lại nạn phá rừng. Báo cáo cho rằng cam kết bảo tồn rừng của các chính phủ hiện đang bị áp đảo bởi các chính sách ưu đãi dành cho các ngành công nghiệp và các hoạt động phá rừng. Mặt khác, hiện trạng thoái hoá rừng cũng thường bị bỏ qua trong các chính sách mặc dù theo ước tính, thoái hóa rừng có thể phát thải lượng khí lớn hơn cả hoạt động phá rừng.
Chính vì vậy, các chương trình chống nạn chặt phá rừng sẽ là vô nghĩa nếu còn tiếp tục cho phép khai thác gỗ rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, một dạng thức tinh vi hơn của chặt phá rừng là “defaunation”, ám chỉ sự suy giảm số lượng các loài động vật do tác động của con người tới môi trường,hiếm khi được nhắc đến trong các chính sách về rừng, mặc dù có thể để lại hậu quả lâu dài đối với sức khoẻ và khả năng phục hồi của rừng.
Theo báo cáo, nỗ lực loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp “cần nhanh chóng chuyển cam kết thành hành động”, đẩy mạnh nỗ lực nhằm gia tăng giá trị các dịch vụ hệ sinh thái, quy hoạch đất canh tác và phục hồi rừng. Vai trò của hoạt động khai thác gỗ có chọn lọc cũng cần phải được đánh giá lại.
Tóm lại, rừng phải được ưu tiên như một giải pháp chìa khoá trong khi thế giới đang dần hướng tới thoả thuận về một khung pháp lý chống lại biến đổi khí hậu. Hoàng tử Charles khẳng định thất bại trong ưu tiên bảo vệ rừng đồng nghĩa với thất bại của mọi nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu và hạn chế suy giảm đa dạng sinh học.