ThienNhien.Net – Đang có một không khí hứng khởi trông mong thời khắc hoàn tất cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để mở ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới mà Việt Nam là một trong 12 nước tham gia.
TPP khác biệt so với các hiệp định thương mại trước đây, không chỉ tập trung vào việc giảm thuế mà còn có thể thúc đẩy cải cách toàn diện để mở cửa thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Có không ít đánh giá đầy lạc quan của giới chuyên gia trong và ngoài nước về những cái lợi mà TPP có thể mang lại cho nền kinh tế nước ta khi tham gia khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Ngay trong ngày hoàn tất TPP thì tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo về triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại cuộc họp, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn khi TPP được ký kết. Theo vị chuyên gia này, việc có được thị trường rộng có thể giúp GDP Việt Nam tăng 8%-10% đến năm 2030, thậm chí nhiều hơn. Không chỉ tăng GDP, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có những cải cách sâu rộng, toàn diện khác ngoài lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, trong quan hệ hợp tác quốc tế, dù tập trung về kinh tế nhưng TPP cũng luôn có tác động hai mặt. Cứ nhìn vào những phiên đàm phán căng thẳng cò kè bớt một thêm hai về linh kiện ô tô trước đây hay vấn đề sản phẩm bơ sữa và bảo hộ sáng chế sinh dược tưởng làm đổ bể cuộc đàm phán tại Atlanta vào giờ chót cũng phần nào thấy cái giá phải trả khi tham gia “sân chơi” TPP đắt thế nào. Các cam kết TPP nếu không tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng có thể khiến sản xuất trong nước “mệt nhoài” trong tương lai.
Những nước phát triển, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn nước ta rất nhiều còn phải đàm phán căng như vậy thì có thể hiểu việc tham gia TPP sẽ tác động tới Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với WTO. Theo quy định của đàm phán TPP, những cam kết gia nhập của Việt Nam chưa được công bố. Song, cũng cần phải có cách để trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp và nông dân, biết rõ những cơ hội và thách thức khi thực hiện cam kết TPP. Phải giúp họ hiểu tham gia TPP không chỉ có màu hồng mà còn rất nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi chúng ta phải hết sức năng động, sáng tạo để có thể đứng vững trên sân nhà và xa hơn là vươn ra thế giới.