ThienNhien.Net – Tổng thống Barack Obama sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong chính giới Mỹ sau khi quá trình đàm phán Hiệp định TPP hoàn tất ngày 5/10.
Theo Guardian, những lời chỉ trích ông Obama không chỉ đến từ những đối thủ của Đảng Cộng hòa như Thượng Nghị sĩ Orrin Hatch mà còn đến từ chính những người thuộc Đảng Dân chủ của ông như Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders.
Những tiếng nói phản đối gay gắt từ cả 2 Đảng
Ngay sau khi quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất ngày 5/10, Nhà Trắng đã bắt đầu vận động các nghị sĩ Đảng Dân chủ cần có một cái nhìn mới về Hiệp định này.
Bất chấp việc đã được Quốc hội Mỹ trao cho quyền đàm phán nhanh TPP với 11 quốc gia khác, ông Obama vẫn còn phải thuyết phục đa số nghị sĩ Mỹ thông qua TPP.
Nhà Trắng đã thận trọng lên tiếng cho biết, việc bỏ phiếu thông qua TPP tại Quốc hội Mỹ có thể sẽ phải kéo dài vài tháng và các quan chức Nhà Trắng đã bắt đầu liên hệ với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ để bàn về việc này.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết: “Vẫn còn quá nhiều bất đồng liên quan đến việc thông qua TPP và chúng tôi sẽ tìm cách thuyết phục mọi thành viên trong Quốc hội Mỹ”.
Các thành viên Đảng Cộng hòa cũng không mấy mặn mà với việc quá trình đàm phán TPP đã hoàn tất, nhất là trong bối cảnh, những biện pháp bảo hộ ngành thuốc lá và dược phẩm tại Mỹ sẽ bị dỡ bỏ. Điều này sẽ càng khiến ông Obama gặp khó khi muốn thuyết phục họ.
“Dù chi tiết của Hiệp định TPP mới chỉ dần được hé lộ, tôi lo ngại rằng, vẫn còn nhiều thiếu sót trong Hiệp định này, ông Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ cho biết.
“TPP là cơ hội duy nhất một lần trong đời và Mỹ không nên dễ dàng chấp thuận những điều khoản không giúp tạo ra những tiêu chuẩn thương mại cao cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong những năm tới. Việc thông qua Hiệp định TPP chỉ có thể được coi là thành tựu đối với Mỹ khi mà thỏa thuận này được người Mỹ đồng tình ủng hộ và Quốc hội Mỹ thông qua”, ông Hatch nói.
Từ phía đối lập, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bernie Sanders cũng lên tiếng chỉ trích việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP và gọi đây là “một thảm họa” dù Mỹ chỉ phải chấp thuận những nhượng bộ rất nhỏ liên quan đến ngành thuốc lá và dược phẩm.
“Tôi rất thất vọng nhưng không ngạc nhiên gì về việc Hiệp định TPP đã hoàn tất quá trình đàm phán. Đây là một Hiệp định thảm họa có thể gây tổn thương đến người tiêu dùng Mỹ cũng như khiến nhiều người Mỹ mất việc làm”, ông Sanders nói.
“Đây lại là một thắng lợi nữa của Wall Street và các tập đoàn lớn. Đây là thời điểm mà chúng ta cần phải chấm dứt việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng kẽ hở trong hệ thống pháp luật Mỹ để kiếm lợi”, ông Sanders nói thêm.
Sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ
Bất chấp những chỉ trích của chính giới Mỹ, các nhà phân tích thương mại vẫn bày tỏ hy vọng, nhiều thành viên của Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ hiệu ứng tự do hóa thương mại của Hiệp định TPP, tuy nhiên, họ vẫn lo ngại rằng, nhiều thành viên Đảng Dân chủ sẽ không chia sẻ quan điểm này.
Một nhân tố được xem là có tiếng nói quan trọng nhất trong việc liệu Hiệp định TPP có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không chính là bà Hillary Clinton, người đã luôn ủng hộ Hiệp định này khi còn là Ngoại trưởng Mỹ.
“Bà Clinton sẽ khiến việc thông qua TPP dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Ikenson, Giám đốc phục trách chính sách thương mại tại Viện Cato, nhận định: “Sự ủng hộ của bà Clinton sẽ giúp trấn an những thành viên Đảng Cộng hòa trước những lo ngại về phản ứng của Liên đoàn Lao động Mỹ”.
Tuy nhiên, đến giờ, bà Clinton lại tỏ thái độ lạnh nhạt với Hiệp định này, nhất là dưới áp lực của ông Sanders. Mọi chuyện lại càng phức tạp hơn khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định trở thành ứng viên Đảng Dân chủ tham gia chạy đua vào Nhà Trắng như bà Clinton.
Điều này sẽ khiến ông Joe Biden phải lên tiếng ủng hộ Hiệp định TPP và bà Clinton sẽ phải có quan điểm trái chiều để chứng tỏ rằng, mình có quan điểm độc lập với đối thủ.
Đảng Cộng hòa gặp khó khi muốn ủng hộ ông Obama
Tiếng nói phản đối quyết liệt của tỷ phú Donald Trump, ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang tìm nỗ lực để tái bầu cử vào Quốc hội Mỹ dù muốn cũng không thể ủng hộ ra mặt Nhà Trắng về những vấn đề liên quan đến Hiệp định TPP.
Cũng như nhiều nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa, Hạ Nghị sĩ Paul Ryan vẫn đang giấu kín “con bài” của mình.
“Tôi sẽ giữ kín quyết định của mình cho đến khi có thể tận mắt đọc toàn bộ văn bản về Hiệp định TPP và tham vấn các đồng nghiệp của mình. Tôi rất muốn tìm hiểu về những lo ngại liên quan đến các khía cạnh của bản Hiệp định này”, ông Ryan nói.
Ngay cả lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng ngần ngại không dám lên tiếng ủng hộ Hiệp định TPP, bởi nếu làm như vậy, nền công nghiệp thuốc lá tại bang Kentucky quê hương ông sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
“Trong vài tháng tới, Thượng viện Mỹ sẽ xem xét Hiệp định TPP và quyết định xem liệu Hiệp định này có đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe mà Quốc hội và người dân Mỹ đòi hỏi”, ông McConnell nói.
Rất nhiều người hoài nghi rằng, sự phản đối từ cả 2 phe sẽ khiến Chính phủ của Tổng thống Obama gặp khó khăn nhiều để có thể thuyết phục được Quốc hội thông qua TPP.
“Số phận của TPP tại Quốc hội Mỹ là rất bấp bênh và các bên sẽ phải tìm cách nhượng bộ lẫn nhau trong bối cảnh Quốc hội và người dân Mỹ vẫn lo ngại về việc TPP có thể làm tổn hại đến việc làm, tiền lương và các điều kiện an sinh xã hội dành cho người lao động Mỹ”, ông Lori Wallach, Giám đốc phụ trách Chương trình Giám sát Thương mại Toàn cầu, nhận định.