ThienNhien.Net – Trước thời điểm thực hiện Nghị quyết 30 và Nghị định 118 về tiếp tục đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh, tiến sỹ Phạm Quang Tú (Tổ chức Oxfarm) không lạc quan về quá trình này và khuyến cáo nguy cơ “bình mới, rượu cũ.”
Theo tiến sỹ Phạm Quang Tú, chủ trương chính sách về tiếp tục đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã có những thay đổi đáng kể về giải quyết các vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét.
Sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh gần như là hoạt động “riêng” của nông, lâm trường và ngành chức năng liên quan ở cấp trung ương, cấp tỉnh. Các cấp chính quyền từ huyện trở xuống gần như rất ít biết. Tổ chức, triển khai sắp xếp, đổi mới chỉ mới tập trung quan tâm vào “phần ngọn” là đổi tên mà xem nhẹ phần gốc rễ là rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất đai.
Nội dung quan trọng hàng đầu làm căn cứ để thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại mô hình tổ chức quản lý sản xuất là rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất đai và thu hồi một phần trả lại cho địa phương để giao cho các thành phần khác hầu như chưa thực hiện được. Do vậy, việc quy định chỉ rà soát đất đai đối với các công ty nông, lâm nghiệp sau rà soát là chưa đủ mà cần phải tiếp tục rà soát cả đối với các Ban quản lý rừng tách ra từ các lâm trường.
Phần lớn các địa phương triển khai sắp xếp lại nông, lâm trường quốc doanh chỉ mang tính hình thức mà chưa mang lại hiệu quả kinh doanh, cơ chế chưa có gì đổi mới và còn mang nặng tư tưởng bao cấp, ỷ lại nhà nước, chưa theo kịp cơ chế thị trường. Các đơn vị quản lý rừng tự nhiên còn lúng túng trong hoạt động do cơ chế quản lý rừng và cơ chế tài chính chưa được tháo gỡ.
Việc để cho các nông, lâm trường quốc doanh “tự rà soát, đánh giá” và chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, đặc biệt là thiếu sự tham gia của người dân địa phương là không đảm bảo khách quan. Ngay cả sau rà soát, diện tích đất còn lại các nông, lâm trường lập quy hoạch quản lý, sử dụng nhưng cũng chỉ có ngành chức năng là sở nông nghiệp và phát triển nông thôn biết đến, còn chính quyền cơ sở và cộng đồng địa phương gần như nằm ngoài. Chưa có kiểm tra giám sát chặt chẽ của các bên liên quan, đặc biệt là giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Việc quy định công tác tổ chức rà soát đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp chưa phù hợp với Luật Đất đai 2013 và vẫn lặp lại lối mòn khi thực hiện rà soát. Khoản 2, điều 133 Luật Đất đai 2013 quy định ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập.
Trong khi đó khoản 1, điều 13 Nghị định 118 quy định các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện rà soát và đề xuất phương án sử dụng đất, chứ không phải ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát và công ty nông, lâm nghiệp là thành viên tham gia.
Các công ty nông, lâm nghiệp được tự thực hiện rà soát đất đai nên chưa đảm bảo khách quan. Các công ty này vẫn được phép tự rà soát thì họ vẫn giữ lại khu vực đất họ mong muốn trong phương án sử dụng đất. Như vậy, các diện tích bị lấn chiếm, tranh chấp, cho mượn, cho thuê nếu công ty nông, lâm nghiệp muốn giữ lại, họ chỉ cần đưa diện tích này vào phương án sử dụng đất thì không phải thu hồi trả về địa phương, tiến sỹ Tú nhấn mạnh.
Quy định về sắp xếp lại tổ chức quản lý chưa làm rõ cơ cấu tổ chức và giải pháp quản lý bảo vệ rừng và đất rừng đối với các vùng có đặc thù khác nhau như vùng sâu vùng xa, vùng dân cư ít và vùng đông dân cư.
Sau chuyển đổi, điều kiện sản xuất kinh doanh của các công ty gặp khó khăn, thu chưa đủ chi. Dưới con mắt của người dân địa phương thì khi chuyển sang công ty lại bị coi là công ty tư nhân đến cạnh tranh đất đai và không còn là đơn vị của nhà nước nữa, gây bất bình, bức xúc cho người dân địa phương.
Lựa chọn mô hình phù hợp
Trong thời gian tới, sau khi rà soát, một số nông, lâm trường sẽ phải giải thể, số còn lại sẽ phải đổi mới phương thức hoạt động. Việc cho công ty nông, lâm nghiệp thuê đất hoặc giao đất cần đảm bảo hài hòa mối quan hệ đất đai giữa người dân địa phương, nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu của công ty lâm nghiệp.
Tiến sỹ Phạm Quang Tú đề xuất, khu vực chủ yếu là rừng tự nhiên, công ty lâm nghiệp ở vùng sâu vùng xa, vùng an ninh quốc phòng, ít dân cư, quản lý chủ yếu rừng tự nhiên, bao gồm cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất nhưng với nhiệm vụ chính là bảo vệ và phát triển thì áp dụng mô hình chuyển thành các Ban quản lý rừng hoặc doanh nghiệp công ích 100% vốn nhà nước. Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo vệ rừng, đồng thời cho phép khai thác lâm sản một phần theo phương án quản lý rừng bền vững.
Khu vực chủ yếu là rừng tự nhiên sản xuất, có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất kinh doanh lâm sản, công ty kinh doanh theo cơ chế đặc thù cho ngành lâm nghiệp, được tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững và các dịch vụ lâm nghiệp.
Với những công ty nông, nông nghiệp chủ yếu sản xuất kinh doanh trồng rừng nguyên liệu hoặc cây công nghiệp, chỉ cho phép công ty tổ chức sản xuất kinh doanh trồng rừng, cây công nghiệp có gắn với chế biến. Những nơi có đông dân cư và chịu áp lực rất lớn về đất sản xuất của người dân thì tiến hành giải thể và trả lại đất cho địa phương.
Những công ty sản xuất kinh doanh trồng rừng, cây công nghiệp ở những nơi áp lực đất đai không căng thẳng chỉ nên cho thuê một phần diện tích, trong tổng số diện tích ứng với công suất chế biến để đảm bảo duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, để có thể tổ chức sản xuất và tạo vùng nguyên liệu hàng hóa. Phần đất còn lại trả về địa phương để giao cho người dân, cá nhân, tổ chức được giao đất trong vùng quy hoạch nguyên liệu.
Tiến sỹ Tú nhấn mạnh cần có những yêu cầu chặt chẽ hơn dựa trên các tiêu chí cụ thể, đủ thời gian để xác định rõ ranh giới đất đai và nguồn tài chính để thực hiện, đủ thời gian cho quá trình sắp xếp các công ty.
Vấn đề chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh, quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất nông lâm nghiệp càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô công nghiệp.