ThienNhien.Net – Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất vào khoảng 18h tối 5/10 (theo giờ Việt Nam).
Sau 5 năm ròng rã với vô số bất đồng và trở ngại, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất tại thành phố Atlanta (Mỹ), mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.
Những nút thắt cuối cùng đối với hiệp định được đánh giá là “lịch sử” đã được tháo gỡ sau khi Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP đạt được đồng thuận về 3 lĩnh vực gai góc nhất còn lại là ô tô, sữa và thời hạn bản quyền sở hữu sinh dược sau 6 ngày đàm phán đầy căng thẳng tại Atlanta, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn đối với tự do thương mại trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối.
TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. Sau khi hiệp định được đưa vào thực hiện, trước mắt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… sẽ được miễn hoặc giảm thuế đáng kể khi tiếp cận thị trường Mỹ, Australia và các nước đối tác khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên TPP.
Dù đàm phán đã kết thúc nhưng để đi vào thực hiện thì TPP còn phải nhận được sự phê chuẩn của quốc hội một số nước, đặc biệt là Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là cửa ải không dễ vượt qua khi nhiều nghị sỹ của cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa đang phản đối TPP do lo ngại khả năng thao túng tỷ giá của các nước tham gia TPP và nguy cơ đối với thị trường lao động nội địa do các công ty Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn nhân công rẻ hơn tại nước ngoài.
Vừa qua, 45 Hạ nghị sỹ đã gửi thư cho đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, yêu cầu đảm bảo rằng các nước thành viên khác trong TPP mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Orrin Hatch cũng đề nghị chính phủ Mỹ không nên vội vàng kết thúc đàm phán nếu không đạt được các yêu cầu về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ và các ưu tiên khác, nếu không thỏa thuận đạt được sẽ khó được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Theo quy định thì Quốc hội Mỹ chỉ có thể bỏ phiếu về TPP sớm nhất là vào tháng 1/2016.