ThienNhien.Net – Trong khi hàng ngàn tấn chè đang tồn kho chẳng tìm nổi đầu ra thì thông tin “tắc” thị trường chè olong Đài Loan lại càng làm cho nông dân trồng chè Lâm Đồng lo sốt vó, đứng ngồi không yên vì đã đầu tư quá nhiều.
Công ty TNHH Fusheng với 100% vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan) có trụ sở tại xã Trạm Hành, Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa thông báo chấm dứt thu mua chè đối với những hộ đã hợp đồng cung cấp chè nguyên liệu với Công ty này kể từ tháng 1/2016.
Thông báo của Công ty Fusheng cho biết, ngành chè đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Công ty đã rất cố gắng để duy trì thị trường và đầu ra cho trà thành phẩm nhưng đành lực bất tòng tâm.
Công ty không còn khả năng chi trả chi phí thu mua chè tươi cho hộ nông dân do lượng trà khô tồn kho rất nhiều, khoảng 60 tấn. Bắt đầu từ tháng 1/2016 sẽ ngừng thu mua chè tươi của các hộ dân.
Thông báo trên như tiếng sét bên tai những hộ có hợp đồng tiêu thụ chè với Công ty này. Họ lo lắng, thấp thỏm như ngồi trên đồng lửa. Hầu hết các hộ đều trồng chè olong, một loại chè cao cấp để xuất khẩu.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Trạm Hành cho biết, so với các loại cây hoa màu khác, trồng chè olong khi đã được thu hoạch, mỗi tháng vẫn phải đầu tư khoảng 20 triệu cho 1 ha bao gồm tiền phân, nhân công lao động, phun thuốc…
Hiện gia đình anh Thắng có 4 ha chè nguyên liệu, cứ 2 tháng sẽ thu hoạch được khoảng 13 tấn. Nếu Công ty Fusheng ngừng thu mua chè như thông báo gia đình anh không biết xoay sở ra sao.
Trước đó, anh Thắng hợp đồng cung cấp chè nguyên liệu cho Công ty này trong vòng 20 năm nhưng đến nay các bên mới chỉ thực hiện được một nửa chặng đường. Tâm trạng của anh Thắng cũng là nỗi lo lắng chung đối với hàng chục gia đình trồng chè olong cung cấp nguyên liệu cho Công ty Fusheng.
Bà Nguyễn Thị Bảy cho biết, hiện gia đình có gần 3 ha chè olong đang cho thu hoạch, từ khi nhận được thông báo của Công ty ngừng thu mua chè từ tháng 1/2016, gia đình bà đã liên hệ với một số doanh nghiệp khác nhưng họ đều lắc đầu từ chối. Bởi đầu ra cho chè thành phẩm đang tắc, hầu hết các Công ty đều bị tồn kho, đối tác làm ăn bị thu hẹp.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, để khắc phục dứt điểm tình trạng trên, Sở đã cập nhật danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng trên chè, bổ sung và thực hiện mô hình khảo nghiệm các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật có tiềm năng tốt nhằm thay thế thuốc Fipronil để khuyến cáo cho nông dân sử dụng. Tổ chức và triển khai cho nông dân cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Fipronil trên cây chè. |
Trong lúc những gia đình có hợp đồng cung cấp chè nguyên liệu cho Công ty Fusheng đang lo lắng thì hàng chục hộ khác lâu nay vốn là đối tác của Công ty TNHH Hà Linh tại các xã Trạm Hành, Xuân Trường (Đà Lạt) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn bởi giám đốc Công ty này là bà Hà Thúy Linh bị tử vong bất thường ở Trung Quốc. Hiện Công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố gắng thu mua chè nguyên liệu cho người dân một cách eo hẹp nên người trồng cũng lâm cảnh khó khăn tương tự.
Ông Lâm Quang Khôi, quản lý xưởng sản xuất Công ty Hà Linh cho biết, số tiền công ty này đang nợ các hộ dân sẽ được trả đầy đủ. Hiện Công ty vẫn có các đơn đặt hàng, chờ khi lo xong tang lễ cho bà Hà Thúy Linh, Công ty sẽ hoạt động lại bình thường và cam kết thu mua hết chè cho người dân.
Liên quan đến hoạt động của Công ty Hà Linh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Hội Doanh nhân trẻ Lâm Đồng, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Công ty này tiếp tục duy trì mọi hoạt động của doanh nghiệp. Các bên đã thống nhất cử ông Trương Quang Quý, người được bà Hà Thúy Linh thuê tư vấn pháp lý trước đó tạm thời điều hành mọi hoạt động của Công ty.
Trước đó, vào giữa năm 2015, phía Đài Loan đã trả lại cho nhiều Công ty chè ở Lâm Đồng khoảng 80 tấn trà thành phẩm. Nguyên nhân được nhà chức trách sở tại đưa ra là số trà này vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép. Cũng với nguyên nhân trên, từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 2.000 tấn trà khác của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng hiện đang tồn kho, không thể xuất đi Đài Loan được. Lượng bị trả lại và tồn kho tập trung chủ yếu tại 6 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến trà tại Thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng, từ thời điểm giữa năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng dư luận về việc chè Lâm Đồng nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dioxin từ phía Đài Loan dẫn đến việc tiêu thụ trà gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng trà đen xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh. Sản phẩm xuất đi nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) bị kiểm tra khắt khe hơn trước đây. Đến giữa tháng 7/2015, Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng thông báo, chính quyền phía Đài Loan, nơi tiêu thụ tới 95% sản lượng trà olong của Lâm Đồng vừa có thông báo 100% mẫu loại trà olong xuất vào Đài Loan đến thời điểm này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.