ThienNhien.Net – Rừng và lâm nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu khi nông nghiệp ngày càng cho thấy những giới hạn trong thúc đẩy năng suất. Đó là khẳng định của một nghiên cứu mới được công bố.
Nghiên cứu “Forests, Trees and Landscapes for Food Security and Nutrition” (Tạm dịch: “Rừng, Cây xanh và Cảnh quan cho An ninh Lương thực và Dinh dưỡng) được thực hiện bởi hơn 60 nhà khoa học nổi tiếng từ Liên đoàn Quốc tế Các tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp (IUFRO). Nghiên cứu đã đưa ra những phân tích cập nhật và toàn diện nhất về mối liên hệ giữa rừng – lương thực – dinh dưỡng và chỉ ra nhu cầu tiếp cận lương thực từ rừng một cách an toàn của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Theo nghiên cứu, trong khi các hoạt động canh tác nông nghiệp qui mô lớn rất nhạy cảm bởi các sự kiện thời tiết bất thường ngày càng dày đặc do biến đổi khí hậu, sự kết hợp nông – lâm nghiệp lại có thể thích ứng tốt hơn với các hiện tượng cực đoan.
Bên cạnh giảm thiểu biến đổi khí hậu, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong xóa đói và cải thiện dinh dưỡng một cách bền vững. Báo cáo đã đưa ra nhiều lý giải ấn tượng chứng minh rừng và cây xanh có thể thay thế sản xuất nông nghiệp và đóng góp đáng kể cho thu nhập của người dân địa phương, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Thứ nhất, lương thực từ cây xanh thường rất giàu vitamin, protein và các chất dinh dưỡng khác, phù hợp với nhiều chế độ dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ, lượng sắt chứa trong các hạt đậu Châu Phi được sấy khô và hạt điều thô tương đương hoặc thậm chí cao hơn thành phần sắt trong thịt gà.
Thứ hai, thịt thú rừng, cá và các loài côn trùng cũng là nguồn lương thực quan trọng. Côn trùng là loại thức ăn đặc biệt rẻ, phong phú, chứa nhiều protein, chất béo, vitamin và chất khoáng. Đặc biệt tại các nước Đông Nam Á, nhiều khu rừng và các trang trại lâm nghiệp được người dân địa phương quản lý theo cách thức riêng nhằm thu hoạch các loài côn trùng có thể ăn được.
Thứ ba, rừng hiện đang cung cấp than và củi đốt cho 2,4 tỷ hộ gia đình ở các nước đang phát triển. Tại Ấn Độ và Nepal, người dân vẫn dùng củi như nguồn năng lượng chính, thậm chí với cả những nông hộ khá giả.
Cuối cùng, cây cối mang đến vô số lợi ích sinh thái. Ví dụ, chúng hỗ trợ các loài thụ phấn, một yếu tố vô cùng quan trọng trong trồng trọt. Ngoài ra, rừng còn cung cấp cỏ khô nuôi gia súc lấy sữa và thịt, bảo vệ dòng chảy và các lưu vực là môi trường sống cho các loài cá.
Theo báo cáo thì hiện nay cứ sáu người lại có một người phụ thuộc nguồn lương thực và thu nhập từ rừng. Ở vùng Sahel (khu vực ranh giới giữa Sahara ở phía bắc và Sudan), lâm nghiệp đóng góp 80% thu nhập trung bình của các hộ gia đình, đặc biệt là từ thu hoạch hạt mỡ. Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng ở khắp nơi trên thế giới, các khu vực càng nghèo thì rừng càng đóng vai trò quan trọng trong thu nhập hộ gia đình.
Tại Châu Phi và một số nơi khác, một số mặt hàng lâm nghiệp mới đang được phát triển nhằm hỗ trợ người nghèo có thu nhập ổn định. Chẳng hạn, người dân nghèo ở Tanzania được tham gia vào chương trình trồng cây Allanblackia (một giống cây có hoa họ Bứa), cho năng suất dầu thực vật tiềm năng trong thị trường lương thực toàn cầu. Loại dầu này có thể mang đến thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm cho những nông dân địa phương.
Mặc dù không phải là phương thuốc thần kì cho nạn đói toàn cầu, rừng có thể thay thế các mặt hàng nông sản khi nguồn cung cấp lương thực trọng yếu bị suy giảm do hạn hán, giá cả biến động, xung đột quân sự… Mối liên hệ mật thiết giữa rừng và trang trại nông nghiệp cũng cho thấy suy thoái và mất rừng cũng là mối đe dọa đối với an ninh lương thực. Trong khi đó, chính việc mở rộng đất nông nghiệp lại gây ra 73% tổng diện tích rừng bị mất trên thế giới.
Từ đó, nghiên cứu nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của rừng trong an ninh lương thực và kêu gọi thực hiện tiếp cận sử dụng đất đa mục đích, lồng ghép, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong tái cơ cấu hệ thống nông lâm nghiệp.