ThienNhien.Net – Phải chăng đây là bước dọn đường để giao đất rừng cho doanh nghiệp làm du lịch trên đỉnh Hòn Bà?
Ngày 30-9, ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận đã ký quyết định điều chỉnh các phân khu chức năng Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà. Theo đó, tỉnh chuyển hơn 104 ha, trong đó có hơn 102 ha rừng tự nhiên tại phân khu vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên đỉnh KBTTN Hòn Bà thành phân khu dịch vụ, hành chính.
Phải chăng đây là bước dọn đường để giao đất rừng cho doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch trên đỉnh Hòn Bà?
Dọn đường cho doanh nghiệp làm dự án?
Trả lời Pháp Luật TP.HCM bằng văn bản, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa xác nhận: “Trong quy hoạch bảo tồn, phát triển bền vững KBTTN Hòn Bà có quy hoạch các điểm, tuyến du lịch kết nối rừng, biển, trong đó có các điểm tham quan dấu tích của BS Yersin. Việc chuyển đổi này nhằm phù hợp với định hướng phát triển bền vững các khu bảo tồn”.
Trước đó, cuối tháng 8-2015, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Đầu tư du lịch Hòn Bà xây dựng tuyến cáp treo và khu dịch vụ sinh thái, văn hóa Hòn Bà – Yersin trên đỉnh KBTTN Hòn Bà.
Theo công ty này, dự kiến khu du lịch có diện tích khoảng 190 ha tại khu vực đỉnh Hòn Bà, ở độ cao 1.400-1.578 m. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ sử dụng 150 ha, trong đó gần 50 ha để xây dựng công trình, còn lại là hạ tầng kỹ thuật khu du lịch, đất cảnh quan…
Không ảnh hưởng môi trường sinh thái (!?)
Trong cuộc làm việc với PV mới đây, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa khẳng định toàn bộ khu vực trên đỉnh Hòn Bà đều là rừng tự nhiên, trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh với mật độ cổ thụ, gỗ quý hiếm rất lớn. Trong quyết định phê duyệt dự án điều chỉnh KBTTN Hòn Bà ngày 10-1-2014, UBND tỉnh cũng xác định khu vực trên là rừng đặc dụng nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Còn trước đó, theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, Sở đã có kế hoạch xây dựng KBTTN Hòn Bà thành vườn quốc gia cấp tỉnh.
Thế nhưng hiện nay trước nguy cơ hơn 100 ha rừng tự nhiên bị xóa sổ, lãnh đạo Sở NN&PTNT lại phân trần: “Việc chuyển đổi không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái, hệ động, thực vật vì chỉ là điều chỉnh ranh giới, diện tích các phân khu”.
Mặt khác, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng do trước đây khu này BS Yersin đã tác động, có chuồng ngựa, vườn cây thuốc… Thế nên giờ tỉnh chuyển hơn 100 ha rừng đặc dụng trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên đỉnh Hòn Bà thành phân khu dịch vụ, hành chính là phù hợp hiện trạng.
Lo ngại phá rừng, xâm hại khu bảo tồn
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, rất ngạc nhiên: “Chuyển đổi như vậy, bao nhiêu rừng coi chừng mất sạch. Vì sao hơn 100 ha rừng tự nhiên thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt thuộc khu bảo tồn mà chuyển mục đích sử dụng dễ dàng như vậy? Họ không tổ chức lấy ý kiến, không trình ra HĐND tỉnh? Không thể chấp nhận mất đi diện tích rừng tự nhiên lớn như vậy! Làm vậy thì còn gì KBTTN!”.
Cũng theo ông Chi, trong các nhiệm kỳ trước đây, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương làm du lịch trên đỉnh Hòn Bà. Tuy nhiên, tỉnh chưa cho doanh nghiệp làm dự án du lịch ở khu vực đỉnh Hòn Bà do còn cân nhắc vì lo ngại xâm hại KBTTN.
“Khu vực đỉnh Hòn Bà có khí hậu như Đà Lạt nên có nhiều doanh nghiệp muốn đặt vấn đề làm khu du lịch. Hồi đó, tỉnh cũng đã có chủ trương khai thác du lịch nhưng vấn đề hàng đầu đặt ra là phải bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên. Nếu cho làm du lịch, chỉ cho sử dụng tối đa 10-15 ha chứ chưa có chủ trương nào dám đặt ra giao hơn 100 ha rừng” – ông Chi cho biết.
Ông Chi cũng lo ngại tình trạng lợi dụng dự án để phá rừng bởi trước đây, sau khi làm đường nhựa lên đỉnh Hòn Bà, nạn phá rừng xảy ra rất phức tạp nên tỉnh phải đưa lực lượng kiểm lâm lên chốt giữ.
Đây cũng là nỗi lo của một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa khi trao đổi với PV.
Đỉnh Hòn Bà đã bị xâm hại
Trước đây, tỉnh Khánh Hòa đã giao Công ty CP Yasaka Sài Gòn Nha Trang giữ gìn, bảo quản, tôn tạo di tích khu nhà làm việc của BS Yersin trên đỉnh KBTTN Hòn Bà. Tuy nhiên, công ty này xây dựng nhiều công trình không phép như một nhà hàng hai tầng, năm nhà nghỉ giữa rừng, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, xâm hại KBTTN. UBND tỉnh xử phạt Công ty Yasaka Sài Gòn Nha Trang 125 triệu đồng do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và KBTTN. Dù vậy, tỉnh vẫn cho các công trình xây dựng không phép này tiếp tục tồn tại. Đâu phải quy hoạch khai thác rừng (!?) Việc chuyển đổi được hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến. Việc chuyển đổi là đúng và không liên quan đến chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ. Chuyển đổi quy hoạch các phân khu chức năng trong khu rừng đặc dụng chứ đâu phải quy hoạch khai thác rừng mà liên quan việc đóng cửa rừng. Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa |