ThienNhien.Net -Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 4/10, mưa lớn tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng lượng từ 100-200mm.
Sáng nay (4/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 31 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, các tỉnh miền núi Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Thông tin và truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch về bão số 4.
Công điện cho biết: Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 8; từ đêm ngày 4/10 đến trưa ngày 6/10, mưa lớn tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng lượng từ 100-200mm.
Để chủ động đối phó với diễn biến của bão và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Đối với các tỉnh ven biển:
– Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 20;
– Xem xét, chủ động cấm biển đối với các tàu cá, tàu du lịch, vận tải nhỏ hoạt động tại khu vực vùng biển Quảng Ninh; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo.
2. Đối với các tỉnh miền núi Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ:
– Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão để điều chỉnh công tác chỉ đạo trên đất liền cho phù hợp; kiểm tra và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người đang sinh sống ở ven sông suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất;
– Chỉ đạo chủ các hồ chứa chủ động vận hành đảm bảo an toàn và tích nước phục vụ sản xuất.
3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống các đài thông tin duyên hải… thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.