ThienNhien.Net – Năm 1998, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư tại làng cá Tân Hải (huyện Tân Thành) với nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng nhiều năm qua, làng cá bè nằm dọc hệ thống thoát nước thải của các nhà máy trên sông Chà Và liên tục xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến người nuôi cá lao đao nợ nần. Nguyên nhân được xác định 70% do các nhà máy xả thải ô nhiễm.
Khi UBND tỉnh ra chủ trương đóng cửa 18 nhà máy, nhiều nhà máy “kêu cứu” vì cho rằng không xả thải, do có hệ thống khép kín, không có nước thải.
Cá chết hàng loạt, dân bức xúc mang cá đổ trước cổng các nhà máy xả thải và mang cả lên trụ sở UBND tỉnh để bày tỏ tới 2 lần. Mới nhất là ngày 30.9, hàng chục người dân xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) lại chở hàng chục ký cá chết tới trụ sở UBND tỉnh để gây sức ép buộc UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – trao đổi tại buổi tiếp người dân, cho biết: Theo báo cáo sơ bộ, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cá nuôi tại các lồng bè trên sông Chà Và bị chết hàng loạt. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xả thải của 14 nhà máy, tiếp đến là mật độ nuôi trồng quá Công ano, nước thải sinh hoạt từ chính các lồng bè của bà con cũng là những tác nhân dẫn đến việc cá bị chết.
Trước đây, tỉnh cũng đã có kế hoạch di dời các nhà máy này, tuy nhiên khi chưa kịp thực hiện thì xảy ra vụ việc nêu trên. “Chúng tôi đang rất khẩn trương củng cố chứng cớ pháp lý để tạm dừng hoạt động của các nhà máy. Tuy nhiên, UBND tỉnh không thể vô cớ đóng cửa các nhà máy, như vậy là không đúng trình tự pháp luật” – ông Tịnh nói.
Ngày 2.10, trao đổi với PV, ông Đặng Minh Thông – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết: “UBND tỉnh đã hứa với dân sẽ có trả lời vào tuần tới, sau khi UBND tỉnh họp xong sẽ thông tin tới người dân và báo chí”.
Khi nghe tin đóng cửa 18 nhà máy, nhiều doanh nghiệp cho rằng nhà máy không xả thải tỏ ra hoang mang, lo sợ, cả ngàn công nhân có nguy cơ mất việc. Ông Nguyễn Thành Lộc – chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản Long Sơn (Tân Hải, Tân Thành) – cho hay: “Nhà máy tôi có hệ thống xử lý thải khép kín, quá trình sản xuất không có nước thải nhưng vẫn bị UBND tỉnh xếp vào diện 18 doanh nghiệp phải đóng cửa hoạt động thì quá thiệt thòi, hơn 200 công nhân của Cty đang hoang mang vì không biết đi về đâu nếu Cty bị đóng cửa”.
Ông Trần Nhân – Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản Đông Hải – cho biết: “UBND tỉnh yêu cầu chúng tôi đóng cửa nhà máy và chuyển đổi nghề nghiệp thì quá khó cho chúng tôi! Khu chế biến hải sản được quy hoạch 30 năm nhưng giờ bắt chúng tôi đóng cửa thì doanh nghiệp cũng không biết đi về đâu, dù chúng tôi không xả thải”.
Ông Đặng Minh Thông cho biết: Có 22 nhà máy tại khu chế biến hải sản Tân Hải nhưng UBND tỉnh có chủ trương đóng cửa 18 nhà máy (4 nhà máy không phải đóng cửa do có hệ thống xử lý nước thải). Trên cơ sở đó, nắm lại toàn bộ mới có hướng xử lý tiếp, nhà máy nào đóng cửa, nhà máy nào di dời, đầu tư công nghệ, sản phẩm gì, đổi mới công nghệ, bảo đảm mới sản xuất chỗ mới được, nhưng phải bảo đảm quyền lợi các bên, dân chấp nhận được, mà doanh nghiệp bị di dời cũng chấp nhận.
Cũng theo ông Thông, tỉnh đã yêu cầu các ngành báo cáo lại cụ thể, nhà máy nào xả gì thì phải xác định rõ, làm rõ các hóa đơn tiền nước, nguồn xả như thế nào, từ đó xử lý từng bước. Tỉnh đang củng cố hồ sơ pháp lý, bên trinh sát Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã thu thập kết quả các doanh nghiệp xả thải, tỉnh cũng mời cơ quan độc lập là Viện Môi trường tài nguyên về để đánh giá thiệt hại khách quan nhất. Song song đó, tỉnh thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện các nhà máy này và yêu cầu Sở tư nhânMT báo cáo.
“Do cơ sở nào thải ra, trách nhiệm bồi thường sao, tỉnh sẽ đứng cùng dân ở đó hỗ trợ đòi lại quyền lợi cho dân. Sau khi xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ phải quy hoạch lại các làng nuôi cá bè, rà soát lại dân nuôi không có giấy tờ, mật độ nuôi quá dày” – ông Thông nói.