Thâm nhập “điểm nóng” phá rừng phòng hộ Sông Tranh

ThienNhien.Net – Ngày 29/9, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã thâm nhập vào khu vực phá rừng trên để ghi lại cảnh tượng phá rừng tàn khốc nơi đây. Do không thông thuộc địa bàn nên chúng tôi nhờ ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh cử người dẫn đường, nhưng ông Chẩn nại nhiều lý do để từ chối, như: không có người, đường đi rất xa, phải mất 4 giờ, đường đi bị “lâm tặc” rải đinh… Song với quyết tâm phải vào được “điểm nóng” phá rừng, chúng tôi thuê xe máy và nhờ một người dân địa phương dẫn đường. Trái với những gì Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh nói, chúng tôi chỉ mất 30 phút đã đến nơi cần đến…

Những gốc gỗ to với đường kính đến 3m.
Những gốc gỗ to với đường kính đến 3m.

Tận mục “điểm nóng”

Con đường từ thôn 2 (xã Trà Bui, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) chạy thẳng vào khu vực đầu nguồn Sông Bui được mở khi xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Hai bên đường in hằn những dấu bánh xe chở gỗ. Theo dấu bánh xe, chúng tôi chạy thẳng vào khu vực rừng đầu nguồn Sông Bui mà không gặp bất cứ trở ngại nào như ông Đoàn Tất Chẩn nói.

Đến nơi, hai bên đường là dấu vết của sự tàn phá rừng tàn khốc. Xung quanh khu vực này có đến hàng chục điểm khai thác rừng trái phép. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên một điểm để vào ghi hình và không thể tin vào mắt mình khi những cây gỗ có đường kính chừng 3m bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Cả khu rừng trông như những xưởng cưa lớn. Gỗ tròn, gỗ đã bị xẻ thành tấm nằm la liệt. Đây là những loại gỗ bị “lâm tặc” bỏ lại do không đủ quy cách hoặc do chưa kịp đưa ra khỏi rừng. Đa số gỗ bị đốn hạ là gỗ chò, dổi… Điểm chúng tôi đến rộng chừng 500m2 đã có đến gần 10 cây gỗ với đường kính hơn 1m bị đốn hạ bằng cưa lốc, ước gần 100m3 gỗ tròn.

“Ban đêm họ dùng máy cưa lốc cưa gỗ rồi xẻ ra quy cách ngay tại rừng. Sau đó thuê người dân địa phương vào bốc lên xe chở về xuôi. Một số người dân vì cái lợi trước mắt nên bắt tay với “lâm tặc”. Điểm rừng này bị phá còn ít đó, mấy anh qua điểm bên kia sông sẽ thấy kinh hoàng hơn…”, anh H. người địa phương chở chúng tôi đi cho biết.

Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi không đi hết những điểm bị phá trong khu vực. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra nơi đây cho thấy “lâm tặc” phá rừng trong thời gian dài nhưng không bị các ngành chức năng phát hiện. Điều đáng nói, cách điểm phá rừng chưa tới 1km có Trạm quản lý bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh (không phải cách 5km như ông Chẩn trả lời với P.V trước đó). Qua kiểm tra sơ bộ khu vực này, lực lượng Kiểm lâm cho biết có gần 40 gốc cây gỗ bị đốn hạ.

021015_pharung2

Gỗ bị khai thác nằm ngổn ngang như xưởng cưa giữa rừng.
Gỗ bị khai thác nằm ngổn ngang như xưởng cưa giữa rừng.

“Mở cửa rừng cho lâm tặc”

Nói về vụ việc trên, ông Hồ Văn Danh, Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui cho biết: Thực tế việc phá rừng trên địa bàn xã trong thời gian qua rất phức tạp. Trong đó vai trò của cán bộ quản lý bảo vệ rừng, của bí thư thôn, trưởng thôn… chưa phát huy được hiệu quả, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, không loại trừ một số cá nhân tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. “Tôi không hiểu sao xe tải chở cây keo của người dân khi qua trạm mấy anh lại cho dừng lại để kiểm tra, còn xe chở gỗ thì cho đi luôn. Vụ việc diễn biến phức tạp đến nỗi anh Tuấn- Chủ tịch huyện (ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My- N.V) đi công tác trong xã về trực tiếp bắt được một xe chở 5,5m3 gỗ từ trong này chở ra”, ông Danh nói.

Trước thực tế đó, ông Danh cho rằng các Trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã trong thời gian qua hoạt động không hiệu quả, nên sắp tới, xã sẽ xin chủ trương của huyện cho phép để xã lập một trạm gác chắn với lực lượng chốt chặn là người của xã để kiểm soát hoạt động lâm sản trên địa bàn.

Trạm quản lý bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh chỉ cách điểm khai thác gỗ chưa đến 1km.
Trạm quản lý bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh chỉ cách điểm khai thác gỗ chưa đến 1km.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, thẳng thắn nhìn nhận: “Trong thời gian qua, do việc buông lỏng quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh nên tình trạng phá rừng ở Trà Bui hết sức phức tạp. Thậm chí, một số cán bộ của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh còn “mở cửa rừng” để lâm tặc vào khai thác gỗ. Trước thực tế đó, sắp tới huyện sẽ mời các đơn vị liên quan để họp bàn chấn chỉnh về thực trạng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn khu vực này. Nếu xét thấy BQL rừng phòng hộ Sông Tranh hoạt động không hiệu quả thì sẽ đề nghị Sở NN&PTNT và UBND tỉnh giải thể ban này giao về cho huyện quản lý”, ông Nhuần nói.