ThienNhien.Net – Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, hàng trăm hộ dân các thôn Trúc Lâm, Kỳ Lâm xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải sống trong cảnh “đi không được, ở không xong” vì nhà máy chế biến tinh bột cá Hồng Đức Vượng đóng tại Khu Công Nghiệp Quán Ngang xả nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và canh tác nông nghiệp của nhân dân.
Nhà máy chế biến tinh bột cá Hồng Đức Vượng đã xả nước thải ra môi trường khi đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải.
Một số cống xả nước thải của nhà máy được thông qua đường ống trong khu công nghiệp dẫn ra các kênh mương tự nhiên đổ về hai thôn Kỳ Lâm và Trúc Lâm của xã Gio Quang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực này.
Ông Hồ Di, thôn Kỳ Lâm cho biết: “Nước thải từ nhà máy đã xả ra khu vực này kể từ khi hoạt động. Người dân ở đây đã kiến nghị đến Ủy ban Nhân dân xã và Ủy ban Nhân dân xã đã kiến nghị lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhưng đến nay, chưa thấy tổ chức nào về xem xét. Mùi hôi từ nguồn nước xả thải khiến người đi qua khu vực này cũng không chịu được, đặc biệt vào ban đêm, không khí còn nồng nặc hơn.”
Cũng theo người dân địa phương, do hoạt động xả thải của nhà máy chế biến tinh bột cá Hồng Đức Vượng, hệ thống nước giếng của nhiều hộ dân ở khu vực này đã bị thẩm thấu, không thể sử dụng được. Người dân phải dùng hệ thống lọc nước tự chế hoặc mua nước máy về sử dụng. Hai hồ nước Bàu Đinh, Cồn Cường ở xã Gio Quang giờ đã nhuốm màu xanh đen vì ô nhiễm. Thậm chí, nhiều khu vực hiện người dân không thể chăn thả gia súc, gia cầm…
Người dân địa phương cũng cho biết, do bị nguồn nước thải ô nhiễm ngấm vào các đồng ruộng, nên gần 40 ha ruộng trồng lúa đang bị ảnh hưởng, nhiều diện tích không thể canh tác được hoặc lúa không cho ra hạt.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Gio Quang cho biết, về mùa khô, một số người dân ở Kỳ Lâm quanh cầu Bàu Đinh phải di dời con cái đi chỗ khác, cách xa nơi nguồn nước thải. Ngoài ra, người dân còn phải đi mua nước từ các nơi khác về để sinh hoạt trong gia đình. Hơn nữa, việc chăn nuôi của bà con cũng bị “tiêu diệt,” điển hình như vịt nuôi ở đây không sinh sản được.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân xã đã kiến nghị nhiều lần với Ủy ban Nhân dân huyện, Ban quản lý Khu công nghiệp nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được kiểm soát và hạn chế…
Trước tình trạng trên, ngày 17/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có văn bản yêu cầu tạm ngừng hoạt động sản xuất đối với nhà máy chế biến bột cá Hồng Đức Vượng cho đến khi khắc phục xong tình trạng ô nhiễm môi trường và hoàn thành việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ, đảm bảo việc xả thải ra môi trường nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, hoạt động xả thải vẫn diễn ra thường xuyên khi nhà máy này vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho hay: Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp với các ngành liên quan như: Ban quản lý các Khu kinh tế, Ủy ban Nhân dân huyện Gio Linh, Cảnh Sát Môi trường – Công an tỉnh có văn bản trình Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc tạm thời cho nhà máy Hồng Đức Vượng thử nghiệm và vận hành chạy thử hệ thống xử lý nước thải…
Ngày 30/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đồng ý để cho nhà máy Hồng Đức Vượng sản xuất vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải… Sau khi vận hành, chúng tôi sẽ tổ chức đi kiểm tra chất lượng nước thải, nếu không đạt tiêu chuẩn theo như văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh, chúng tôi sẽ đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục đình chỉ và yêu cầu nhà máy dừng mọi hoạt động và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Nhà máy chế biến tinh bột cá Hồng Đức Vượng đã đi vào hoạt động gần 2 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện việc xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường và chưa được cấp phép xả thải là trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường… Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo môi trường cũng như cuộc sống của người dân trong khu vực.