ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn đối phó với bão số 4 (bão Mujigae) được xem là hiện tượng hiểm có xảy ra khi hình thành trên đất liền đảo Luzon, di chuyển nhanh, phức tạp.
Chiều nay (2-10), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương và Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) để bàn biện pháp ứng phó với bão số 4.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết đây là một cơn bão mạnh, di chuyển với tốc độ rất nhanh và có diễn biến rất phức tạp. Áp thấp nhiệt đới đã hình thành bão ngay trên đất liền của đảo Luzon (Philippines) và trở thành cơn bão số 4 vào Biển Đông. Đây là một hiện tượng hiếm có xảy ra trên Biển Đông.
“Bão vẫn đang tiếp tục mạnh lên và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển với tốc độ bình quân 20 km/giờ, có lúc di chuyển 25 km/giờ”- ông Cường nói.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, hướng bão di chuyển khá phức tạp và dự kiến đến sáng ngày 5-10 bão sẽ đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên hiện chưa thể khẳng định bão sẽ đổ bộ vào khu vực nào. Nếu hướng bão lệch hướng Bắc khoảng 30 km thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, tuy nhiên nếu lệch Nam khoảng 30 km thì bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Ninh.
“Hiện còn quá sớm để có thể nói bão đổ bộ vào đâu, có 3 kịch bản đổ bộ của cơn bão”- ông Cường cho biết.
Kịch bản thứ nhất là có khoảng 40% khả năng bão sẽ đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Kịch bản thứ 2 là sau khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đổ bộ vào Nam đồng bằng Bắc Bộ nước ta, tuy nhiên khả năng này rất ít xảy ra.
Kịch bản thứ 3 là có 50% khả năng bão số 4 sẽ đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng, mà trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh với sức gió mạnh cấp 10. “Đây là khả năng lớn nhất” – ông Cường nói.
“Nếu đổ bộ vào Quảng Ninh sẽ gây mưa lớn ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc bộ với lượng mưa cả đợt từ 300-500 mm”- ông Cường nhận định.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Bộ đội Biên phòng, tính đến 11 giờ ngày 2-10, Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu,thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản/231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ Thanh Hóa trở ra và các tỉnh miền núi phía Bắc, Đông Bắc bộ phải sẵn sàng cho mọi tình huống để đối phó với bão số 4, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Các tỉnh ven biển tiếp tục theo dõi, bắn pháo hiệu, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền; thông báo kịp thời, đầy đủ cho chủ các phương tiện, ngư dân, tàu vận tải, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người vùng trũng thấp, vùng ven sông, ven biển và lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển; Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ.
Khu vực miền núi theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò, mỏ than, khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.
Tăng cường công tác kiểm tra hồ đập, tuyên truyền thông tin về diễn biến bão, mưa, lũ đến từng người dân để chủ động ứng phó.
Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tổ chức kiểm tra hiện trạng hệ thống đê điều và công trình phòng lũ, sẵn sàng phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động. Chủ động triển khai phương án tiêu nước đệm, tiêu úng đảm bảo sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn.
Đề nghị các địa phương, các tỉnh miền núi phía Bắc chú ý các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để di dời dân đến nơi an toàn; cử người canh gác, cảnh báo ở các bến phà, ngầm nguy hiểm để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
“Việc này cuộc họp nào cũng nhắc với nhau, cơn bão nào cũng cảnh báo nhưng tai nạn chết người không đáng có vẫn cứ xảy ra”- Phó Thủ tướng nói.
Bão số 4 giật cấp 11 cách Hoàng sa 700 km
Hồi 14 giờ ngày 2-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc; 118,7 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (tức là từ 60 đến 90 km/giờ), giật cấp 10-11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 3-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 90 đến 120 km/giờ), giật cấp 13-14. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Đến 13 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (tức là từ 90 đến 120 km/giờ), giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13-14. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km. |