ThienNhien.Net – Nạn buôn gỗ trái phép tại Myanmar đã bùng phát mạnh mẽ trong suốt 20 năm qua do gỗ có thể dễ dàng được chuyển sang Trung Quốc qua khu vực biên giới với nước này. Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) tại London mới đây đã đưa ra báo cáo chi tiết về thực trạng này.
Đại diện EIA cho biết, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng buôn lậu gỗ tại Myanmar là nhu cầu về gỗ hồng mộc tại Trung Quốc, một trong những thị trường buôn bán gỗ trái phép lớn nhất thế giới, với trị giá hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Loại gỗ này đang cạn kiệt tại các nước khác, còn một số loại như gỗ hồng mộc Thái Lan lại đang được bảo vệ theo Công ước Thương mại Quốc tế về các loài nguy cấp (CITES). Vì vậy, các thương lái Trung Quốc bắt đầu tập trung vào Myanmar thông qua Bang Kachin, nơi diễn ra giao tranh giữa chính phủ Myanmar và lực lượng phiến quân trong suốt 2 thập kỷ qua. Bằng cách đó, Myanmar đã trở thành nguồn cung cấp gỗ hồng mộc lớn nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2013.
Trong quá trình đi thực tế, EIA còn phát hiện loại gỗ tếch tươi có nguồn gốc từ các khu vực đang xây dựng đập thủy điện tại phía Bắc tỉnh Shan, Myanmar. Như vậy, việc chặt cây để nhường chỗ cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng là một nguyên nhân khác gây ra tình trạng buôn lậu gỗ.
Myanmar hiện đang là một trong những nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất trong khu vực. Theo báo cáo, tốc độ suy giảm rừng tự nhiên tại quốc gia này là 2% mỗi năm, với tổng diện tích rừng bị mất là 1,7 triệu ha trong giai đoạn 2001-2013.
Các quan chức ngành lâm nghiệp tại Myanmar đã công khai bày tỏ mối quan ngại về tình trạng trên và thi hành một số biện pháp chống buôn lậu gỗ hồng mộc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đến nay dường như không mấy quan tâm, miễn sao thuế được nộp đủ khi đi qua biên giới – Ông Julian Newman, giám đốc chiến dịch của IEA bình luận. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng vụ việc 155 phu gỗ lậu Trung Quốc bị bắt giữ tại Myanmar tháng 7 vừa qua và bị kết án tù chung thân trước khi nhận được lệnh ân xá sẽ lôi kéo được sự quan tâm và can thiệp từ chính quyền Trung Quốc về vấn đề buôn lậu gỗ.
Luật pháp Myanmar quy định tất cả gỗ phải được xuất khẩu qua cảng Yangon, và các loại gỗ bị cấm xuất khẩu sẽ không được thông quan. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng chính thức phản đối khai thác gỗ trái phép và tuyên bố sẽ tôn trọng luật lâm nghiệp của các quốc gia khác. Tháng 9 vừa qua, các quan chức lâm nghiệp hai nước đã gặp gỡ trao đổi thông tin về việc buôn bán gỗ qua biên giới, trước khi cùng thảo luận về Biên bản ghi nhớ giữa hai nước.