ThienNhien.Net – Thảo luận xung quanh tương lai của năng lượng thế giới từ trước đến nay thường tập trung vào chủ đề khí thải carbon. Đây được coi là cách nhìn nhận logic và hợp lý bởi khí thải carbon gây ra biến đổi khí hậu – nguyên nhân cơ bản của mọi vấn đề môi trường mà con người sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của hai tác giả Barry Brook và Corey Bradshaw thuộc Đại học Adelaide, Australia lại nhìn nhận vấn đề năng lượng theo một khía cạnh khác: tác động của năng lượng đối với đa dạng sinh học.
Nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học, một nguồn năng lượng cần sử dụng tối thiểu đất đai và nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phân mảnh môi trường sống, và ít rủi ro có ảnh hưởng lớn và lâu dài đối với tự nhiên.
Từ những luận điểm đó, dựa trên việc xem xét một loạt kịch bản sử dụng năng lượng khác nhau trong tương lai, các nhà nghiên cứu khẳng định điện hạt nhân là một trong những lựa chọn tiềm năng nhất.
Hai tác giả Brook và Bradshaw xem xét ba kịch bản năng lượng khác nhau và xếp hạng bảy nguồn phát điện chính dựa trên bảy tiêu chí, từ phát thải khí nhà kính cho đến sử dụng đất đai, chất thải sản xuất… Nguồn năng lượng có số điểm càng thấp thì càng được đánh giá tốt hơn. Ví dụ, thủy điện được chấm điểm 1 về phát thải khí nhà kính (bao gồm khí thải theo từng chu kỳ: khai thác nguyên vật liệu, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng,…) trong khi than đá được chấm 7 điểm do lượng khí thải, tính an toàn, và chất thải rắn.
Điều thú vị là trong khi năng lượng gió và khí đốt tự nhiên có số điểm cao, năng lượng hạt nhân lại được chấm điểm thấp nhất, có nghĩa đây là nguồn năng lượng tốt nhất để đảm bảo tính bền vững và đa dạng sinh học.
Từ đó, các tác giả kết luận rằng, năng lượng hạt nhân có thể gặp phải nhiều phản đối do các tác động môi trường. Tuy nhiên, một số cáo buộc là không thỏa đáng.
Nếu bỏ qua trường hợp Fukushimas, Chernobyls và các mỏ khai thác uranium gần Grand Canyon, điểm thu hút của năng lượng hạt nhân chính là khả năng giảm thiểu rõ rệt các tác động đối với thiên nhiên hoang dã.
Theo báo cáo, toàn bộ năng lượng sử dụng trong một đời người sống tại một quốc gia phát triển trung bình sẽ chỉ tương đương một cục uranium bằng quả bóng golf, so với các nguồn năng lượng khác trong biểu đồ dưới đây.
Chú thích Biểu đồ: So sánh khối lượng các dạng năng lượng cần thiết cung cấp trong vòng 80 năm đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong một đời người (đun nấu, sưởi ấm, thắp sáng, sản xuất, giao thông) ở một quốc gia phát triển (6,4 triệu kWh): (a) uranium – tương đương một quả bóng golf 40,7 cm3; (b) khí nén tự nhiên – 56 x 20.000L xe tải; (c) than đá – 4.000 m3 tương đương 800 con voi; (d) Pin hóa học NiMH – 86.000 tấn tương đương 16 tòa nhà trọc trời Burj Khalifa.
“Vì vậy, điện hạt nhân cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió và năng lượng mặt trời để tạo ra một sự kết hợp năng lượng bền vững trong tương lai”, các tác giả kết luận.