Kỳ III: Hệ lụy khôn lường đến an ninh lương thực toàn lưu vực
ThienNhien.Net – Biển Hồ – vựa cá nằm cạnh dòng chảy Mê Công trên lãnh thổ Campuchia – được ví như hình ảnh lá phổi gắn với khí quản. Nhìn từ giữa Biển Hồ vào mùa mưa, khi mực nước lên cao nhất, mặt hồ rộng mênh mông như đại dương vậy.
Dòng chảy màu mỡ giúp Biển Hồ trở thành một vựa cá khổng lồ, nuôi dưỡng từ những con bọ nhậy chỉ dài bằng một đốt ngón tay cho tới loài cá da trơn nặng đến 300kg, và hàng trăm giống cá khác. Biển Hồ chính là nguồn sống cho những làng chài nơi đây. Mặc dù không tránh khỏi ô nhiễm và áp lực khai thác, cá vẫn dồi dào đến mức khi mực nước xuống thấp vào mùa đông, ngư dân và thậm chí cả phụ nữ cũng có thể dễ dàng bắt cá bằng những sọt tre lớn.
Có hơn 100 loài cá di cư từ thượng nguồn về Biển Hồ để sinh sản, nhiều loài đến từ những nơi xa xôi phía bắc Lào. Đập Xayaburi nằm cách Biển Hồ xấp xỉ 550 dặm về phía thượng nguồn, có lẽ nhờ vậy mà các loài cá chưa gặp phải nhiều ảnh hưởng trực tiếp. Thế nhưng, những công trình còn lại nơi hạ nguồn sẽ có khoảng cách ngắn hơn rất nhiều. Ngay tại phía bắc Campuchia, giáp ranh với Lào, một dự án thủy điện khác trên dòng chính mang tên Don Sahong sẽ sớm được xây dựng. Mặc dù sẽ chỉ có một nhánh sông bị chặn, nhưng quá trình di cư của cá chắc chắn sẽ bị cản trở và môi trường sống của cá heo nước ngọt Irrawaddy chỉ còn lại chưa đến 100 cá thể trên sông Mê Công sẽ bị ảnh hưởng.
Một mối đe dọa thậm chí nguy hiểm hơn nữa đang dần lộ diện ở chính miền bắc Campuchia, trên một nhánh sông Mê Công mang tên Tonle San, hay Sê San. Sông Sê San bắt nguồn từ Việt Nam và hòa vào sông Mê Công tại vị trí cách Don Sahong gần 50km về phía hạ lưu. Đây được biết đến là tuyến di cư chính của rất nhiều loài cá, phần lớn trong số đó mang đến sinh kế cho người dân địa phương. Đập thủy điện Sê San 2 đang được xây dựng cách ngã ba sông hơn 25km về phía đông và sẽ chia cắt điểm tiếp nối giữa hai con sông, Sê San và Mê Công.
Quan chức Lào và Campuchia đều đồng tình rằng thủy điện có thể mang lại cuộc sống thuận lợi hơn cho người dân với nguồn điện dồi dào và giá cả phải chăng. Trong khi Campuchia phản đối các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Công phía thượng nguồn Lào thì các quan chức nước này lại ủng hộ dự án thủy điện Hạ Se San 2 và các dự án trên dòng nhánh.
Các dự án được lên kế hoạch tại Lào và Campuchia có thể cung cấp sản lượng điện vượt xa so với nhu cầu trong nước, nhưng lưới điện sẽ không được cung cấp trên toàn lãnh thổ. 90% sản lượng điện từ hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam và Thái Lan, phần lớn doanh thu sẽ về tay các nhà thầu chứ không phải những người dân sinh sống ven sông. Một phân tích vào năm 2010 của MRC đã dự đoán thiệt hại đối với ngành thủy sản do các tác động của dự án sẽ càng khiến tình trạng nghèo khó trầm trọng thêm.
Một số quan chức lập luận, nghề trồng lúa và nuôi thủy sản có thể giải quyết vấn đề thiếu lương thực. Thế nhưng, theo các chuyên gia thủy sản, những ảnh hưởng của hệ thống đập trên dòng chính tới ngành thủy sản sẽ ngày càng nặng nề, chồng chất và không thể thay đổi được. Trên những nhánh sông khác trong lưu vực, sản lượng khai thác cá đã giảm khoảng 30-90% sau khi các con đập được xây dựng. Mặc dù việc nuôi trồng thủy sản đã được áp dụng rộng rãi dọc khắp con sôngnhưng cá nuôi vẫn cần tới thức ăn là những giống cá tự nhiên nhỏ hơn trên sông. Thay thế cá mồi bằng thức ăn công nghiệp tăng thêm rất nhiều chi phí cho những người nuôi trồng thủy sản. Giống như những người dân Lào bị buộc phải rời khỏi khu vực xây dựng đập Xayaburi, rất nhiều người dân sống phụ thuộc vào đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản sẽ có thể bị đẩy vào nền kinh tế tiền tệ mà họ chưa đủ trải nghiệm để tồn tại.
Sông Mê Công không phải là nguồn năng lượng carbon thấp duy nhất của khu vực. Bên cạnh 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, đáp ứng khoảng 6-8% nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á cho đến năm 2025, các giải pháp và nguồn đầu tư hiệu quả vào công nghệ năng lượng sạch như quang năng và đồng phát nhiệt điện (cogeneration – sử dụng hơi nóng dư thừa từ các nhà máy năng lượng) có thể cung cấp điện năng với giá thành rẻ hơn. Tuy vậy, năng lượng thay thế vẫn còn khá mới mẻ ở các nước Đông Nam Á. Đối với chính phủ Lào và Campuchia, thủy điện sẵn có, dễ khai thác và có giá trị xuất khẩu hơn.
Rốt cuộc, liệu có cách nào tận dụng được nguồn năng lượng của sông Mê Công mà vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên phong phú không? Năm 2012, nhà sinh thái học Guy Ziv và các đồng nghiệp đã phân tích 27 dự án thủy điện được đề xuất trên các nhánh sông Mê Công, so với sản lượng điện dự kiến từ mỗi dự án với mực độ thiệt hại đối với ngành thủy sản. Kết quả đánh giá cho thấy có sự khác biệt khá lớn trong thiệt hại sinh thái mà mỗi dự án gây ra. Trong đó, thủy điện Sê San 2 gây ra thiệt hại lớn nhất là giảm hơn 9% lượng sinh khối cá vùng hạ lưu. Ngược lại, một số ít con đập được đặt tại những vị trí cẩn trọng hơn, có thể giảm thiểu tối đa ảnh hưởng.
Quá trình quy hoạch phát triển thủy điện đòi hỏi các quốc gia Mê Công và các nhà đầu tư phải phối hợp nhịp nhàng. Hợp tác chính là điều đang thiếu xót trong nỗ lực xây đập một cách ồ ạt và thiếu minh bạch như hiện nay trên lưu vực sông Mê Công.
“Để tận dụng tốt nguồn thủy năng, chúng ta cần hợp tác theo quy mô lưu vực. Cần phải tỉnh táo khi nhìn vào toàn cảnh sông Mê Công và quyết định vị trí xây dựng đập sao cho vẫn bảo toàn được chức năng hệ sinh thái trên toàn lưu vực này. Điều này thực sự khó thực hiện đối với Lưu vực sông Mê Công,” Chuyên gia về nước Brian Richter nói.
Cách những con đập ở Trung Quốc hơn 2500km về phía hạ lưu, Đồng bằng sông Cửu Long là một mạng lưới dường như vô tận những kênh rạch chằng chịt, đầm lầy và những vùng đất lấn biển kéo dài đến biển Đông. Sống ngay tại trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long – TP. Cần Thơ, chuyên gia sinh thái đất ngập nước Nguyễn Hữu Thiện sinh ra và lớn lên tại vùng đất này. Cũng như bao đứa trẻ khác, ông thường bơi trên những con kênh và cánh đồng ngập nước rồi bắt cá bằng chính đôi tay của mình. Không bị dang dở học hành bởi chiến tranh như các anh chị của mình, ông được đi học đại học và nghiên cứu sinh học bảo tồn tại Đại học Wisconsin. Ông nói tiếng Anh thành thạo, tự nhận bị ảnh hưởng một phần bởi tư tưởng của Mark Twain và những tiểu thuyết về dòng sông Mississippi. Thế nhưng với ông, Đồng bằng sông Cửu Long là duy nhất. Ông sống tại đó, và nghiên cứu về nó. Sự giao thoa giữa nước ngọt và nước mặn cùng với những nỗ lực chế ngự dòng sông của con người hàng thế kỉ qua đã tạo nên một vùng đất phức tạp, khiến Đồng bằng sông Cửu Long khác biệt hoàn toàn đối với phần còn lại của sông Mê Công. Vào năm 2009, khi đang nghiên cứu về phục hồi các vùng đất ngập nước, ông được mời tham gia đánh giá môi trường chiến lược của MRC cho các đề xuất dự án thủy điện trên dòng chính tại Lào và Campuchia. Ông sớm nhận ra rằng, những con đập này sẽ hủy hoại toàn bộ nỗ lực của ông cho quê hương. Sự cân bằng giữa sông và biển đang bị phá vỡ. Những đợt hạn hán gần đây khiến con sông cạn dần và nước biển xâm nhập sâu hơn vào đất liền, gây ra nhiều khó khăn cho người nông dân. Những con đập phía thượng nguồn đã giữ lại hơn một nửa lượng nước sông Mê Công vào các hồ chứa, khiến dòng chảy thay đổi hoàn toàn. Các con đập cũng giữ lại hầu hết trầm tích giầu dinh dưỡng vốn giúp bồi đắp phù sa cho những cánh đồng lúa và nuôi sống các loài cá trên khắp hệ thống sông Mê Công. Ông nhận ra những hạn chế trong sự khéo léo của con người: Mặc dù chính con người đã tạo ra hệ thống kênh rạch chằng chịt nhằm thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo, hệ thống đó không phù hợp với đại dương. Tương tự như vậy, các kĩ sư cũng không thể khắc phục được hậu quả từ những con đập. “Khi khí hậu thay đổi, những gì thuộc về tự nhiên luôn có tính chống chịu tốt hơn những thứ nhân tạo. Tự nhiên luôn luôn có sức bền lớn hơn,” ông nói. Th.S Hữu Thiện đang thực hiện một số đánh giá khác về những con đập, nhưng cũng không mong đợi những đánh giá này có tầm ảnh hưởng hơn những báo cáo trước đó. Thỉnh thoảng ông kể chuyện về thủy điện cho những người anh của mình đang làm việc đồng áng, họ chỉ nhún vai than thở: “Chúng ta thì có thể làm được gì đây?”- Đó cũng là những gì ông cảm thấy. |