ThienNhien.Net – Hạn chế ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết ở nhiều địa phương và phụ thuộc rất lớn vào ý thức doanh nghiệp khai khoáng.
Nhiều hệ lụy
Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Hiện ngành khai thác khoáng sản đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ… Những hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt khai thác than, titan, bauxite đang phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, gây ô nhiễm nặng nề với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách với cộng đồng.
Ông Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển cho biết: Hiện hoạt động khai thác than đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để sản xuất 1 tấn than, doanh nghiệp cần bóc đi từ 8 đến 10 m³ đất phủ và thải từ 1 đến 3 m³ nước thải mỏ. Chỉ tính riêng năm 2006, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã thải ra môi trường 182,6 triệu m³ đất đá, khoảng 70 triệu m³ nước thải mỏ dẫn đến một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm phả…
Theo Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường (Bộ Tài nguyên- Môi trường), việc khai tác titan tại tỉnh Bình Thuận đang gây ra ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí và gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh khu vực khai thác như: Xã Hoàn Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Qúy, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… Ngoài ra, khai thác titan còn gây ra ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông Trình cũng đánh giá: Việc khai thác bauxite ở Tây nguyên sẽ thải ra một lượng lớn bùn đỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Doanh nghiệp muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng baxite và thải ra 1,5 tấn bùn đỏ. Khi các hồ chứa bùn đỏ tại các mỏ khai thác bauxite bị sói lở tràn ra sông suối và đổ về sông Đồng Nai- nguồn nước sinh hoạt của 12 triệu dân khu vực phía Nam sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Phụ thuộc vào ý thức doanh nghiệp
Theo ông Lê Trình, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của việc gây ô nhiễm là do các khu vực khai thác khoáng sản không tập trung, nhỏ lẻ thường ở trong khu sâu vùng xa. Nên việc bảo vệ môi trường từ việc khai thác khoáng sản phải phụ thuộc rất nhiều vào ý thức doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Bảo về thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện đã có văn bản pháp luật về quản lý ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khai thác khoáng sản chưa được cấp phép vẫn hoạt động, máy móc sản xuất còn lạc hậu nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong khi đó, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết: Vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên chưa được kiểm soát tốt, làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời kéo theo tình trạng mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Nổi lên là tình trạng khai thác, vận chuyển buôn bán, xuất khẩu trái phép khoáng sản ở những khu vực như: Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… khai thác và kinh doanh trái phép cát sỏi trên các sông lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh đã là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên, ngành Tài nguyên- Môi trường cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên. Đồng thời, Bộ Tài nguyên- Môi trường cần có cơ chế giám sát công khai, minh bạch và người dân như một công cụ giám sát để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình khai thác.
Để quản lý, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục kiểm soát khoáng sản, Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết, hiện Bộ Tài nguyên- Môi trường triển khai đề án “Tăng cường năng lực cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản” nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh giám sát hoạt động khai khoáng.