ThienNhien.Net – Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc di dân tái định cư các công trình thủy điện đến nơi ở mới phải bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, sau gần 5 năm về nơi ở mới, hơn 577 hộ, với 2.900 nhân khẩu của đồng bào dân tộc Mạ, Mông khu tái định cư xã Đác P’lao, huyện Đác G’long, tỉnh Đác Nông, vẫn không có đất sản xuất. Đến nay, có gần 130 hộ đã phải bán nhà, bỏ hoang hóa nhà cửa, đi làm thuê ở địa phương khác hoặc quay về nơi ở cũ.
Không tốt hơn nơi ở cũ
Từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi vượt hơn 40 km đường đèo quanh co, gấp khúc đến xã Đác P’lao. Nhìn từ xa, khu tái định cư xuất hiện với những dãy nhà được xây kiên cố, nối liền dọc theo triền đồi bát úp trông như một đô thị sầm uất giữa đại ngàn Tây Nguyên. Thế nhưng, bên trong cái vẻ sang trọng của những khối bê-tông cốt thép ấy là cuộc sống cơ cực của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trên trục đường chính dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp rất nhiều căn nhà kiên cố, khang trang nhưng bị bỏ hoang, rêu mốc, cỏ mọc um tùm. Trưởng bon 1, khu tái định cư B, K’Briu, bức xúc cho biết, “do không có đất sản xuất cho nên bà con đã bỏ đi hết cả rồi. Toàn bon có hơn 200 hộ, nhưng khoảng 120 hộ đã bán nhà, bỏ nhà đi làm thuê ở các tỉnh khác, số còn lại quay về nơi ở cũ. Ngay như gia đình tôi, có bốn người nhưng mới nhận được 400 m2 đất, khi nhận đất canh tác bị người ta tranh chấp cho nên không thể sản xuất được, phải kéo nhau đi làm thuê, mỗi ngày được khoảng 120 nghìn đồng, gặp mùa mưa chỉ biết bó gối ngồi nhìn về phía rừng xa”.
Từ khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh Hoàng Văn Dọng, luôn phải đối mặt với đói nghèo. Được cấp tám sào đất nhưng do đất dốc, không có nước tưới cho nên trồng các loại cây nông nghiệp cứ gặp nắng hạn chết sạch, buộc phải chuyển sang trồng cây sắn. Chỉ được vài vụ đầu tiên cây sắn cho củ, các vụ trồng tiếp theo củ sắn chẳng lớn được, củ to nhất cũng chỉ bằng ngón chân cái. Quanh năm “bán mặt cho đất” nhưng cũng không đủ ăn, gia đình đành bỏ đất hoang, đi làm thuê để kiếm sống qua ngày.
Ông K’tong đã ba lần bốc thăm nhận đất sản xuất, nhưng hơn bốn năm nay vẫn chưa nhận được đất. Không có đất sản xuất, hằng ngày ngoài việc đi làm thuê cuốc mướn thì gia đình ông còn phải đi hái rau rừng để kiếm cái ăn. Ông K’tong buồn rầu nói: “Mùa mưa đến, công việc làm thuê càng khó khăn cho nên tôi phải vào rừng lấy măng kiếm sống, lội rừng cả ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ki-lô-gam măng, bán được khoảng 40.000 nghìn đồng. Khoản tiền ít ỏi này phải trang trải cho năm miệng ăn của gia đình. Nhiều năm nay vợ tôi lâm bệnh nặng nhưng phải cắn răng chịu đựng chứ không có tiền chữa bệnh”.
Được nhân dân trong xã đánh giá là nông dân sản xuất cà-phê “lão luyện”, nhưng khi về nơi ở mới chị Ngô Thị Thắm bị “trói tay” vì đã hai lần đi bốc thăm nhưng không được nhận đất sản xuất. Chị Thắm nói trong bức xúc: “Chờ mãi không được cấp đất, tôi đành nhờ người thân thế chấp sổ đỏ mượn tiền ngân hàng 200 triệu đồng, mở cửa hàng bán tạp hóa. Thế nhưng, người dân ở đây ai cũng nghèo đói cả cho nên việc buôn bán cũng đi vào bế tắc, mỗi ngày chỉ bán được ít gói mì tôm, vài bó rau muống… Tuy nhiên, nhiều bà con khi đến mua không có tiền mà phải ghi nợ sau đó đi lấy măng rừng bán trừ nợ hoặc đến cuối năm bán được ít sắn mới thanh toán”.
Vẫn là lời hứa
Già làng K’la vẫn còn nhớ như in những lời hứa của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Thủy điện 6 và chính quyền địa phương khi vận động người dân từ bỏ “đất tổ” để đến vùng “đất hứa”. Mỗi hộ sẽ được cấp 12.000 m2 đất sản xuất, trong đó có 2.000 m2 ruộng nước, nhưng đã hơn bốn năm nay đồng bào không hề nhận được đất, hơn 80 hộ nhận đất thì cũng như không vì trên thực tế đất bị tranh chấp không sản xuất được. Kể cả ngôi nhà được cấp khoảng 40 m2 và 400 m2 đất ở vẫn chưa “chính chủ” vì người dân phải nộp khoảng 40 đến 60 triệu đồng thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đác P’lao Nguyễn Đức Hải cho biết, toàn xã còn gần 500 hộ chưa được cấp đất sản xuất, một số hộ đã nhận đất nhưng do đất trống đồi trọc, khô cằn, không có nước tưới cho nên không thể sản xuất được. Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo triền miên, hiện xã còn tới 62% số hộ nghèo. Mặt khác, vì không có đất sản xuất cho nên rất nhiều hộ đã bỏ đi làm thuê ở địa phương khác hoặc quay về nơi ở cũ. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao giúp đồng bào có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, thật sự “an cư lạc nghiệp”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đác G’long Phạm Đặng Quang khẳng định, do Ban quản lý Thủy điện 6 làm không đến nơi, đến chốn; bất cập trong quy hoạch khu tái định cư ngay từ đầu, không phù hợp với tập quán của người dân tộc thiểu số; thực tế đời sống của nhân dân hiện nay không thể nói là tốt hơn nơi ở cũ. Vấn đề này huyện đã làm việc với Ban quản lý Thủy điện 6 hơn 20 lần, đề nghị chủ đầu tư giải quyết tồn tại của “hậu thủy điện”, đồng thời nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Đác Nông chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan để ổn định cuộc sống cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hiện, huyện đang thành lập tổ công tác đặc biệt giao cho UBND xã Đác P’lao chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành đo đạc lại diện tích đất đang sản xuất ổn định để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Qua đó, rà soát lại số hộ thiếu đất sản xuất để đề xuất quy hoạch, thu hồi và cấp đất sản xuất cho dân, bảo đảm mỗi hộ được cấp 1 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Nguyễn Đức Luyện, cho biết, vấn đề dân bỏ đi khỏi khu tái định cư xã Đác P’lao, nguyên nhân là không có đất sản xuất. Hiện, tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Đác G’long phối hợp với UBND xã Đác P’lao, Ban quản lý dự án Thủy điện 6 khảo sát, lập quy hoạch, thỏa thuận với nhân dân về vị trí khu vực đất sản xuất khoảng 300 ha, để tiếp tục khai hoang, cấp đất cho dân. Việc thực hiện dây dưa, kéo dài là do Ban quản lý dự án Thủy điện 6 phối hợp UBND huyện Đác G’long còn khập khiễng, chưa vào cuộc quyết liệt. Mặt khác, Ban quản lý dự án Thủy điện 6 không đủ thẩm quyền giải quyết trực tiếp mà phải báo cáo về Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin chủ trương cho nên sự việc kéo dài nhiều năm, gây bức xúc cho nhân dân.
Trong khi đó, Phó Trưởng Ban quản lý dự án Thủy điện 6 Trần Đức Quân lại cho rằng: “Dự án khu tái định cư xã Đác P’lao là do UBND huyện Đác Glong chủ trì quy hoạch, Ban không được chủ động mà chỉ biết phối hợp thực hiện. Quỹ đất là của địa phương, do địa phương quản lý, chỉ có chính quyền địa phương mới có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất, Ban chỉ thực hiện phần khai hoang và bảo đảm kinh phí thực hiện dự án. Ngay cả việc chia đất cho dân, chi tiền đền bù cho dân cũng do huyện, xã, trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Đác G’long thực hiện, Ban chỉ đứng ra chủ trì kinh phí. Hiện, đang phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, đo đạc diện tích đất đã khai hoang trước đây để chia lại đất cho dân và cố gắng giải quyết trong năm 2015. Vấn đề thừa hay thiếu đất, qua khảo sát lần này, Ban sẽ xác định và tiếp tục triển khai trong năm 2016”.