Kỳ II: Tham vọng thủy điện
ThienNhien.Net – Sông Mê Công bắt nguồn từ Tây Tạng, trải dài hơn 4.000 km qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trước khi đổ ra biển Đông. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á, dài thứ 7 Châu Á, là khu vực có nghề cá nội địa năng suất nhất thế giới và quan trọng bậc nhất đối với cư dân sinh sống ven sông. Tại Lào và Campuchia, số lượng cá nước ngọt tính theo đầu người nhiều hơn bất kì nơi nào trên thế giới, và với nhiều nơi đó chính là nguồn lương thực thiết yếu. Hơn 500 loài cá được biết đến trên sông Mê Công đã duy trì nguồn lương thực cho hàng triệu người qua những trận hạn hán, ngập lụt hay thậm chí là chế độ diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia.
Trước đó vào thế kỷ 19, những hẻm núi chật hẹp và thác nước chảy siết trên sông Mê Công đã làm nản lòng nhiều nhà thám hiểm Châu Âu trong cuộc tìm kiếm con đường thương mại từ biển Đông tới miền Tây Trung Quốc, nhưng từ lâu đã rất hấp dẫn đối với các nhà xây đập thủy điện. Và Trung Quốc chứ không phải Đông Nam Á đã trở thành quốc gia đầu tiên cho xây dựng hệ thống đập nước trên dòng chính sông Mê Công vào những năm 1990.
Khu vực Đông Nam Á ngày nay có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết ở mọi khu vực song chỉ 1/3 dân số Campuchia và 2/3 dân số Lào có điện sử dụng, với giá cả khá đắt đỏ. Phát triển kinh tế và dân số tăng sẽ càng gây sức ép lên các nguồn cung cấp điện: theo một phân tích vào năm 2013, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) dự đoán nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 80% trong vòng 20 năm tới. Rõ ràng, nếu muốn tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu, Đông Nam Á phải đảm bảo tối thiểu hóa phát thải carbon từ nguồn năng lượng đang cần. Chính điều đó khiến cho tiềm năng thủy điện của sông Mê Công có sức cám dỗ hơn bao giờ hết.
Trên danh nghĩa, việc xây dựng đập thủy điện ở hạ lưu sông Mê Công được giám sát bởi Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC). Được tài trợ bởi các cơ quan phát triển quốc tế và bốn quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, MRC ra đời không phải bởi một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý mà dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích và hòa bình khu vực.
Trung Quốc không phải là thành viên chính thức của MRC, cũng không hề có một giao ước rõ ràng nào buộc Trung Quốc phải đàm phán với các quốc gia thuộc khu vực hạ lưu về những động thái trên phía thượng nguồn. Năm 1995, các quốc gia thành viên đã phải hủy bỏ kế hoạch tổ chức lễ kỉ niệm ngày kí kết Hiệp định bằng một chuyến du ngoạn trên sông Mê Công do mực nước xuống quá thấp sau khi Trung Quốc chặn dòng và tích nước cho con đập mới được xây dựng.
Mới đây, kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính tại Lào và Campuchia càng hạ thấp vị thế của MRC. Theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược năm 2010, MRC kêu gọi tạm hoãn 10 năm xây dựng hệ thống đập thủy điện trên dòng chính, chỉ rõ những hệ lụy tiềm tàng đối với nguồn lương thực của toàn lưu vực và những tác hại môi trường “không thể đảo ngược”. Thế nhưng, để tìm cách thoát khỏi tình trạng nghèo khó và bị cô lập quá lâu, Lào đã đặt mục tiêu trở thành “quả pin Đông Nam Á” bằng cách bán điện cho Thái Lan và các quốc gia lân cận. Dù gặp phải sự phản đối từ MRC và thậm chí cả quốc gia có môi quan hệ láng giềng hữu nghị lâu năm là Việt Nam, chính phủ Lào vẫn quyết tâm giữ vững lập trường. Cuối năm 2012, sau nhiều lần né tránh, các quan chức Lào đã thừa nhận đập Xayaburi do Thái Lan tài trợ đang được tiến hành xây dựng tại một vùng hẻo lánh phía bắc nước này. Dự kiến trong năm nay, đập Xayaburi sẽ được hoàn thành với chiều dài 800m và cao hơn 30m.
Cảnh tượng hiện ra tại công trường xây dựng là những ụ cát, sỏi chất đầy hai bên bờ sông để phục vụ cho quá trình xây đập và đường xá. Những chiếc cần cẩu chăng khắp đoạn sông và từng tốp công nhân đang cho nổ bờ dốc để tạo địa hình bằng phẳng, sẵn sàng cho công đoạn đổ xi măng. Cư dân tại một ngôi làng nhỏ bên kia sông cho biết họ đã phải chịu đựng tiếng nổ trong suốt ba năm qua và đang chuẩn bị chuyển đến một ngôi làng tái định cư mới phía thượng nguồn. Tất cả đều hy vọng có thể tiếp tục nghề đánh bắt cá.
Những người dân trong một ngôi làng khác nằm ngay dưới chân đập đã được chuyển tới khu tái định cư nằm cách xa con sông. Tuy nhiên, ở nơi đó tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Số tiền và phần đất mà công ty xây dựng hứa đền bù không hề tương xứng và được thanh toán rất chậm. Nhiều người dân không quen bị tiền mặt chi phối mọi thứ. “Ở làng cũ, chẳng cần kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn có thể ăn cơm gạo do mình trồng. Còn ở đây, tiền kiếm được nhiều hơn nhưng ngày nào cũng phải chi nhiều hơn số tiền kiếm được,” một phụ nữ trẻ hai con chia sẻ.
Đập Xayaburi không chỉ đơn thuần làm đảo lộn cuộc sống của những người dân quanh đó, mà ảnh hưởng lớn nhất chính là tiền lệ mà nó đã tạo ra. Bất chấp những cảnh báo từ MRC, chính phủ Lào đang lên kế hoạch xây dựng những đập thủy điện tiếp theo với những thách thức đáng sợ tới dòng sông Mê Công.