ThienNhien.Net – Ông Lê Kế Sơn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động, cho biết, sau hàng chục năm, dưới tác động của nhiều yếu tố trong môi trường, lượng dioxin tại các vùng phun rải ở sân bay Biên Hòa đã giảm đi nhiều, tuy nhiên khu vực này vẫn được coi là khu vực ô nhiễm dioxin rộng và nặng nề nhất thế giới.
Nhận định trên vừa được ông Sơn đưa ra tại Hội thảo quản lý nhà nuớc về bảo vệ môi truờng do Bộ Tài nguyên và Môi truờng tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội.
Thông tin thêm tại hội thảo, ông Sơn cho biết, tại khu vực sân bay Biên Hòa, trong chiến dịch Ranch Hand (chiến dịch phun thuốc diệt cỏ) và chiến dịch Pacer Ivy (chiến dịch thu gom và tiêu hủy chất diệt cỏ năm 1972), quân đội Mỹ đã lưu giữ 170.300 thùng phi loại 208 lít chứa các chất diệt cỏ, trong đó có 109.000 thùng phi chứa chất da cam.
Theo ông Sơn, trong khoảng thời gian từ tháng 11/1969 đến tháng 3/1970 đã xảy ra sự cố chảy tràn làm rò rỉ 25.000 lít hóa chất da cam và 2.500 lít chất trắng. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ước có khoảng 247.000m2 đất với 236.000m3 đất và trầm tích tại sân bay Biên Hòa phải xử lý dioxin.
“Để xử lý được dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, với công nghệ như hiện nay, Việt Nam cần tới 300 triệu USD may ra mới xử lý đuợc. Hiện nay trong lòng sân bay Biên Hòa vẫn còn 13 hồ nuớc nhiễm dioxin cần được xử lý và kiểm soát,” ông Sơn thông tin.
Tại sân bay Đà Nẵng – khu vực được coi là ô nhiễm dioxin lớn thứ 2 ở Việt Nam, trong thời gian chiến tranh, quân đội Mỹ cũng đã lưu giữ tại đây 94.900 thùng phi chứa chất diệt cỏ, trong đó có 52.700 thùng phi chứa chất da cam.
Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan viện trợ quốc tế Mỹ, nồng độ dioxin tại các khu vực trong sân bay Đà Nẵng từ 6.820ppt đến 365.000 ppt. Uớc tính có 72.900m3 đất nhiễm dioxin cần xử lý, tuy nhiên, trong quá trình xử lý dioxin vào năm 2012 bằng phương pháp hấp nhiệt, các chuyên gia nhận thấy lượng bùn có nồng độ dioxin cần đuợc xử lý đã tăng gấp đôi.
“Để xử lý số bùn này, chính phủ Mỹ dự kiến chi 84 triệu USD và hoàn thành trong năm 2016, thế nhưng thực tế thì không thể hoàn thành đúng kế hoạch,” ông Sơn nói.
Tương tự, tại sân bay Phù Cát (Bình Định), khu vực ô nhiễm dioxin ở mức độ thứ 3 tại Việt Nam, cũng có khoảng 7.500m3 đất bị nhiễm dioxin với nồng độ cao lên đến 238.000 ppt.
Nói rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của các khu vực ô nhiễm dioxin, ông Sơn khẳng định, hơn một nửa thế kỷ qua, dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do phía Mỹ sử dụng trong chiến tranh luôn là vấn đề “nóng” được nghiên cứu vì tính phức tạp và hậu quả nặng nề của nó đối với môi trường và con người Việt Nam.
“Cho đến nay, việc xử lý dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ vẫn đang là vấn đề rất phức tạp vì nồng độ dioxin quá cao, trong khi phương pháp chôn lấp chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định,” ông Sơn nói.
Ngoài ô nhiễm dioxin cho chiến tranh để lại, trong khuôn khổ dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng) do Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Tổng cục Môi trường) cũng đã tiến hành lấy các mẫu khí thải của một số lò đốt rác thải tại Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, các chuyên gia đã xác định có 7/18 mẫu khí thải của các lò đốt rác thải công nghiệp có hàm lượng độ độc cao vượt ngưỡng cho phép, trong đó có những mâu vượt giới hạn hàng nghìn lần.
Trước thực tế nêu trên, ông Lê Kế Sơn kiến nghị Tổng cục Môi trường cùng với các cơ quan nghiên cứu cần có những nghiên cứu bổ sung để đánh giá chính xác và đầy đủ các điểm ô nhiễm dioxin; đồng thời cần có kế hoạch quan trắc định kỳ và lâu dài các vùng ô nhiễm nặng.
Song song với đó, “các đơn vị được giao nghiên cứu và các địa phương cũng cần phải có chương trình kiểm soát toàn diện dioxin tại các lò đốt rác công nghiệp và rác thải sinh hoạt; loại bỏ các lò đốt rác có công nghệ lạc hậu..,” ông Sơn kiến nghị.
Đồng tình quan điểm, ông Hoàng Dương, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho biết, ngoài ô nhiễm dioxin tại các sân bay do hậu quả của chiến tranh để lại, dioxin có nguồn gốc từ công nghiệp, xử lý rác thải tại các lò đốt cũng đang có xu hướng gia tăng, trở thành gánh nặng “kép” đối với công tác quản lý.