ThienNhien.Net – Nhiều biện pháp khác nhau như thúc đẩy tái sinh tự nhiên, tái trồng rừng, thúc đẩy trồng cây bản địa, cây công nghiệp hay các hệ thống kết hợp nông-lâm nghiệp đều là những nỗ lực phục hồi rừng không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu có thể đảm bảo rằng các cộng đồng và các hệ sinh thái xung quanh và trong rừng có khả năng thích ứng và chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, theo một nghiên cứu mới đây.
Tái trồng rừng không phải lúc nào cũng lợi cho đa dạng sinh học và người dân
Với khả năng lưu trữ hơn 2,4 tỷ tấn CO2 mỗi năm, tương đương ¼ lượng CO2 phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch, rừng đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu trái đất. Tuy nhiên, nạn phá rừng và suy thoái rừng cũng gây ra từ 10-15% phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Rừng Quốc tế (CIFOR) đã cảnh báo rằng việc tái trồng rừng mà coi nhẹ những lợi ích thích ứng của rừng trồng có thể khiến cộng đồng bản địa và hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và giảm hiệu quả của rừng tái sinh.
Điều này có nghĩa rằng không phải bất cứ dự án tái trồng rừng nào có mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu đều mang lại lợi ích cho đa dạng sinh học và người dân. Ở đây, nghiên cứu muốn ám chỉ đến phương pháp trồng cây độc canh thường được sử dụng để tăng năng suất gỗ và khả năng lưu trữ carbon.
Phương pháp này, theo một báo cáo trước đó của CIFOR, có thể gây suy giảm nguồn nước, giảm diện tích đất canh tác, hạn chế sinh kế của người dân bản địa và ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực này lại thường không được để ý tới.
Trong khi đó, cây độc canh cũng không tránh khỏi những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu như sự bùng phát sâu bệnh, các loài ngoại lai, cháy rừng – khiến giảm sút lượng tích trữ carbon. Điều này khiến mục tiêu ban đầu là giảm thiểu biến đổi khí hậu rốt cục cũng không thể đạt được.
Thích ứng phải đi đôi với giảm thiểu biến đổi khí hậu
Năm 2014, nhiều chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng bản địa đã cùng kí “Tuyên ngôn về Rừng” tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu tại New York. Tuyên ngôn cam kết phục hồi 150 triệu hecta rừng cho đến năm 2020 và 350 triệu hecta cho đến năm 2030. Trong khi đó, hội nghị khí hậu Bonn cũng đặt kỳ vọng phục hồi 150 triệu hecta đất rừng bị tàn phá và suy thoái cho đến năm 2020 trên toàn cầu.
Tăng lượng lưu trữ carbon thông qua phục hồi rừng cũng là một phần mục tiêu của sáng kiến quốc tế nhằm giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).
Mặc dù đây là những bước tiến tích cực, công tác trồng rừng nhiệt đới hướng tới các mục tiêu khí hậu thường bỏ qua lợi ích thích ứng của rừng tái sinh, cũng như nhu cầu tăng sức chống chịu đối với biến đổi khí hậu của tái trồng rừng.
Đó là hậu quả của việc phát triển riêng biệt các chiến lược thích ứng và giảm thiểu trong tái trồng rừng trong hệ thống chính sách khí hậu quốc tế. Thực tiễn, phương pháp và nguyên tắc quản lý tái sinh, phục hồi rừng do đó được phát triển với các mục tiêu khác nhau, từ đó đánh mất cơ hội lồng ghép thích ứng và giảm thiểu trong các chiến lược tái trồng rừng nhiệt đới.
Nghiên cứu nói trên lí luận rằng tái trồng rừng nếu được quản lí tốt và gắn với mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể đạt được ba mục tiêu: giảm thiểu, thích ứng và đảo bảo đón đầu, giảm nhẹ các ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu đối với rừng tái sinh. Để làm được điều đó, các nhà hoạch định chính sách cần phân tích tái trồng rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu để hiểu hơn những hậu quả không mong đợi của hiện tượng này, từ đó điều chỉnh quyết định khi quy hoạch tái trồng rừng.
Ví dụ, mặc dù có thể lưu trữ lượng carbon tương đương với cây độc canh, song việc trồng đa dạng giống cây trồng ở các độ tuổi khác nhau lại giúp rừng có khả năng chịu được gió lốc, sâu bọ và dịch bệnh, dù đòi hỏi chi phí trồng và quản lí cao hơn.
Tái trồng rừng lồng ghép với mục tiêu giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu nên trở thành một phần của chiến lược thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai và quản lý đất đai toàn diện. Tuy nhiên, việc thực thi mô hình này vẫn còn bị hạn chế bởi nhiều hạn chế về nhận thức, đặc biệt là trong cách xác định phương thức trồng rừng nào là đảm bảo tốt nhất mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đã có nhiều phương pháp và công cụ định lượng carbon, những hiểu biết về sự đóng góp của tái trồng rừng đối với mục tiêu giảm thiểu vẫn còn hạn chế. Quy hoạch tái trồng rừng cần dựa trên sự hiểu biết rõ rằng rừng sẽ hỗ trợ chống lại biến đổi khí hậu như thế nào, rừng có thể chống chịu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu ra sao.
“Chúng ta cần cải thiện cách thức đánh giá vai trò của tái trồng rừng đối với sinh kế, quản trị nguồn nước và đối với các quy định, chính sách khí hậu của địa phương/khu vực nhằm tác động hiệu quả hơn đến các quyết định chính sách”, ông Bruno Locatelli, nhà nghiên cứu của tổ chức CIFOR-CIRAD (Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp vì Phát triển), tác giả chính của nghiên cứu trên nhận định.