ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tình trạng nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Vừa qua, các phương tiện truyền thông có phản ánh tình trạng nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt khi nguồn nước suy giảm, ảnh hưởng lớn tới công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, nước sông đang bị ô nhiễm xảy ra trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông La Khê và nhiều tuyến sông, kênh mương khác.
Cũng theo phản ánh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông là do nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực dân sinh chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn chất lượng đã xả vào hệ thống công trình thủy lợi.
Trước các phản ánh này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu, nếu có vi phạm các quy định về đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi, cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời có biện pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông trên địa bàn.
Theo kết quả nghiên cứu từ Dự án “Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” do Trường Đại học Xây dựng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) thực hiện vừa công bố tháng 3 vừa qua, hiện nước sông trên địa bàn Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi 10% nước thải đô thị chưa qua công đoạn xử lý hoặc pha loãng; trong khi đó, khoảng 36% nước thải chưa qua xử lý cũng đổ ra các hồ, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều khu vực.
Kết quả nghiên cứu từ Dự án cũng cho thấy, tại Hà Nội, hiện nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Tuy nhiên, nhiều khu vực nước ngầm lại đang bị ô nhiễm bởi asen. Việc nước ngầm bị nhiễm asen, khi sử dụng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
Kết quả nghiên cứu từ Dự án trên cũng cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt sông chính như: Sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy không đảm bảo, không ổn định và khó kiểm soát. Trong khi đó, các nhà máy xử lý nước thải lại hoạt động không hiệu quả. Đơn cử như các nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch quá nhỏ; các nhà máy: Yên Sở, Đông Anh không hiệu quả về chất lượng và công suất; các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu lại đang trong giai đoạn vận hành thử và xây dựng…