ThienNhien.Net – Cây bông biến đổi gen đã được đưa vào sản xuất trên toàn thế giới gần hai thập kỉ qua, song cho đến nay chỉ có 3 quốc gia Châu Phi tham gia trồng giống cây này với mục đích thương mại – Nam Phi, Burkina Faso và Sudan.
Trong nhiều thập kỷ, các chính phủ Châu Phi luôn đóng vai trò then chốt giúp đảm bảo tuân thủ nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học và duy trì thái độ thận trọng khi áp dụng kỹ thuật biến đổi gen lên thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác. Chính quyền nơi đây cũng đề ra một số lệnh cấm và giới hạn đối với sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm GMOs, bao gồm cả thực phẩm biên đổi gen được viện trợ.
Thế nhưng ngay lúc này, lập trường đối với sản xuất cây trồng biến đổi gen dường như đang bị lung lay khi một số quốc gia như Malawi, Ghana, Swaziland và Cameroon đang có kế hoạch sản xuất lứa bông biến đổi gen đầu tiên, cùng với sự tham gia của Nigeria và Ethiopia trong 2 đến 3 năm tới.
Sản lượng bông của Châu Phi hiện nay chỉ tương đương một nửa sản lượng trung bình trên thế giới và còn tiếp tục suy giảm, trong khi sản lượng thế giới vẫn trên đà tăng trưởng. Đó là lý do mà các quốc gia trên đều kỳ vọng công nghệ biến đổi gen sẽ giúp tăng sản lượng và giảm sử dụng thuốc trừ sâu, từ đó tăng sức cạnh tranh cho Châu Phi trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo và nhà sản xuất tại Châu Phi đang được khuyến cáo là cần có cái nhìn sâu sắc hơn về những tác động của cây bông biến đổi gen ở Nam Phi và Burkina Faso, cụ thể là những ảnh hưởng kinh tế xã hội lên các hộ nông dân canh tác quy mô nhỏ.
Thực tế cho thấy, việc trồng bông biến đổi gen đã mang lại bi kịch nợ nần, giá cả rớt thê thảm và do công nghệ đòi hỏi kỹ năng quản lý phức tạp, sản xuất bông biến đổi gen không phù hợp với những hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Những nông dân trồng bông ở Châu Phi đang gặp phải nhiều khó khăn trong thị trường cạnh tranh toàn cầu khi mà giá cả lên xuống thất thường và bị bóp méo bởi những khoản tiền trợ cấp không công bằng ở các nước phía Bắc, kết hợp với thực trạng thiếu hỗ trợ và giá nguyên liệu đầu vào cao khiến lợi nhuận bị triệt tiêu.
Ở Mali, nông dân không thể bán được sản phẩm dù chỉ với giá trung bình. Còn ở Burkina Faso, sau 5 mùa vụ thất bát với sản lượng thấp và chất lượng sợi đi xuống, người dân đã bắt đầu phản đối cây bông biến đổi gen. Ở Nam Phi, bông biến đối gen đã khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ rơi vào cảnh nợ nần, sở tài chính địa phương vỡ nợ. Sau vụ mùa vừa qua, các hộ kinh doanh nhỏ chỉ đóng góp chưa đến 3% vào tổng sản lượng của Nam Phi.
Ở Malawi, Công ty cung cấp giống biến đổi gen Monsanto đã gửi đơn xin chính phủ cho phép bán giống bông biến đổi gen chịu sâu bệnh Bollgard II, gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.
Ngay cả Công ty Cotton Development Trust – CDT, đại diện cho ngành công nghiệp cây bông tại Malawi cũng đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan ngại về một số vấn đề, bao gồm thử nghiệm giống cây không minh bạch, giá hạt giống biến đổi gen cao, các khoản phụ phí đầu vào cùng với những hợp đồng sở hữu trí tuệ mơ hồ.
Thêm vào đó, việc sản xuất cây trồng biến đổi còn gây nguy cơ kháng thuốc ở côn trùng gây hại, trong khi việc sử dụng hóa chất diệt cỏ là không thể tránh khỏi.
Trong bối cảnh ấy, chính phủ Châu Phi đang được khuyến cáo cần tập trung nguồn lực để nâng cao điều kiện ở các địa phương sản xuất bông, bao gồm các hỗ trợ về mặt thể chế và và cơ sở hạ tầng, để có thể mang lại sự bền vững dài hạn cho ngành công nghiệp này, thay vì tăng thêm gánh nặng cho những người dân vốn dễ bị tổn thương. Đồng thời, các tổ chức xã hội dân sự cũng sẽ phải tiếp tục đấu tranh chống lại những giải pháp sai lầm từ cây bông biến đổi gen và kêu gọi một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch trong phát triển sản xuất bông tại Châu Phi.