ThienNhien.Net – Để lâm tặc lộng hành, lãnh đạo cơ quan bảo vệ rừng đổ tại đưa dân vào rừng tái định cư và do mưa lũ.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đang cử lực lượng truy tìm nguồn gốc hàng chục khối gỗ lậu nằm cạnh trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sông Tranh (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Có “bảo kê”?
Theo một cán bộ kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, đầu tháng 9, Đội Kiểm lâm Cơ động số 1 phát hiện 1 xe tải chạy trên đường liên xã Trà Bui ra Trà Đốc có biểu hiện nghi vấn nên bám theo. Lập tức, các đối tượng đổ 10 m3 gỗ xuống đường rồi tẩu thoát. Tiếp tục truy tìm, đội phát hiện 2 điểm tập kết gỗ với quy mô hàng chục mét khối gỗ quý như dỗi, chò, xoan đào…; trong đó có 1 điểm thuộc thôn 2, xã Trà Bui, sát trạm quản lý bảo vệ rừng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực phát hiện số gỗ lậu “khủng” trên thuộc quản lý của nhiều đơn vị như BQLRPH Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My. Điều đáng nói, muốn đưa số lượng gỗ trên từ Trà Bui ra thị trấn Bắc Trà My chỉ có một con đường độc đạo nhưng không hiểu sao nhiều cơ quan quản lý, bảo vệ rừng lại để lâm tặc lộng hành.
“Có chủ quan”!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQLRPH Sông Tranh, khẳng định việc bảo vệ rừng có sự phối hợp chặt chẽ của ban, cả hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương. “Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo rất sát sao nhưng nhiều khi trong rừng anh biết rồi, nó mênh mông bát ngát” – ông Chẩn phân trần.
Theo ông Chẩn, tại địa điểm xảy ra mất rừng, ngày trước là khu rừng rất đẹp nhưng sau đó chính quyền đưa dân tái định cư vào mới xảy ra mất rừng. “Dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2. Cuộc sống của người dân gắn bó với rừng nên không có việc làm thì phá rừng, lâm tặc lợi dụng để cùng phá rừng” – ông Chẩn lý giải.
Trả lời câu hỏi vì sao gỗ lậu nằm cạnh trạm bảo vệ rừng, liệu có việc tiếp tay cho lâm tặc, ông Chẩn cho rằng phải chờ cơ quan chức năng điều tra “chứ bây giờ nói ra không hay”. Tuy nhiên, ông Chẩn cũng viện lý do đợt mưa bão vừa qua nước lớn, cán bộ bảo vệ rừng không đi được nên lâm tặc lợi dụng để đưa gỗ lậu ra. “Anh em cũng có sự chủ quan. Đi thì đi nhiều nhưng anh em không phát hiện được. Nói là gần bên trạm nhưng thực chất cũng cách 5 km” – ông Chẩn nói.
Cũng theo ông Chẩn, từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện 96 m3 gỗ bị lâm tặc đốn hạ nhưng không bắt được đối tượng nào. Đặc biệt, số gỗ này vẫn đang ở trong rừng. “Khi anh em lập biên bản thì phải có biện pháp canh giữ. Nhưng mà cũng có thể mất chứ không thể biết được. Mất thì anh em báo cáo mất để điều tra” – ông Chẩn thản nhiên.