ThienNhien.Net – Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã khai mạc sáng 25/9 (giờ Mỹ) tại trụ sở LHQ ở TP New York với sự tham dự của 193 nước thành viên.
Sau lễ khai mạc, hội nghị thông qua văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể. Trong ngày họp đầu tiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và gần 60 tổng thống, thủ tướng đã phát biểu. Hầu hết các ý kiến đều nêu bật tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, nền tảng cho sự phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới; nhấn mạnh quyết tâm và cam kết thực hiện nghiêm túc Chương trình nghị sự và các mục tiêu phát triển bền vững; bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế cũng sẽ đạt được thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu tại thủ đô Paris – Pháp vào tháng 12.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật các thách thức lớn đang đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, nhất là nghèo đói, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng… Chủ tịch nước nhấn mạnh Chương trình Nghị sự 2030 đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch; tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo TTXVN, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Chủ tịch nước đã nêu bật 3 thông điệp lớn của Việt Nam: Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững; cần quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, đưa quan điểm bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn ở vị trí trung tâm; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, trong đó các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện những mục tiêu trên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam và các nước ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; cùng các nước liên quan duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững sẽ được thực hiện vì lợi ích chung của nhân loại. Theo Chủ tịch nước, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này.
Tọa đàm về tác động của TPP
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, sáng 25/, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt – Mỹ về tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với doanh nghiệp 2 nước. |