ThienNhien.Net – Các doanh nghiệp xây dựng thủy điện Trung Quốc đang đi ngược lại cam kết bảo vệ môi trường khi tiếp tục phát triển các dự án thủy điện, gia tăng rủi ro đối với môi trường và xã hội ở các quốc gia khác.
Nghiên cứu của IR đã đánh giá 7 công ty năng lượng Trung Quốc có hoạt động dự án xây dựng đập thủy điện tại nước ngoài: Công ty Sinohydro, Công ty Tam Điệp, China Huadian, Tập đoàn Gezhouba, China Huaneng, PowerChina Resources, và China Datang Overseas Investment. Theo đánh giá của IR, 5 trong số 7 doanh nghiệp này có điểm thực thi thấp hơn so với cam kết, trong đó 3 công ty PowerChina Resources, Huaneng và Datang có sự cách biệt rất lớn.
Đánh giá này dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa, phỏng vấn công nhân và người dân địa phương. Từ đó, IR đưa ra các đánh giá về quy trình quản lý môi trường và an toàn dự án của mỗi công ty tại Campuchia, Malaysia, Lào và Ecuador.
Theo đánh giá, cả 7 công ty đều có những kế hoạch quản lý và đánh giá tác động môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, yếu kém lại nằm ở khâu thực thi. Chẳng hạn, tại Campuchia, các công ty thậm chí đã khởi công xây dựng trước khi báo cáo đánh giá được thông qua. Một số doanh nghiệp không giải trình được những chỉ trích từ phía các cổ đông địa phương đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời không công khai bất cứ báo cáo đánh giá dự án nào.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp lại cho rằng kết quả đánh giá này xuất phát từ “nhận thức khác biệt” giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Một số thông tin là bí mật kinh doanh không thể tiết lộ, việc đến thăm từng hộ gia đình cũng không phù hợp với văn hóa địa phương.
Việc các doanh nghiệp che giấu thông tin đã trở nên quá phổ biến đối với các dự án tại Trung Quốc. Các chuyên gia môi trường nước này thường xuyên chỉ trích các doanh nghiệp nhà nước và nhà chức trách địa phương đã bỏ qua mối quan ngại của dư luận đối với các dự án xây đập – tác nhân gây gián đoạn hệ sinh thái tự nhiên và buộc người dân bản địa phải di cư ra khỏi vùng đất quê hương.
Đến nay, những hoạt động đó lại tái diễn tại các quốc gia khác, đặc biệt là các nước chậm phát triển, nơi các con sông từng được chảy tự do. Tại các quốc gia dân chủ, doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, như biểu tình phản đối dự án. Chẳng hạn, chính phủ Myanmar đã quyết định hoãn dự án thủy điện Myitsone sau khi diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân địa phương. Hoặc tại Nicaragua, hàng nghìn người dân đã phản đối kế hoạch xây dựng kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương
Áp lực từ các tổ chức phi chính phủ có thể giúp các công ty xây dựng Trung Quốc nhận ra rằng tác động môi trường và xã hội là yếu tố quyết định khi tham gia đấu thầu các dự án nước ngoài trong tương lai, kèm theo đó là cú hích đối với hoạt động đánh giá và giám sát. Trên thực tế, một vài công ty Trung Quốc đã học được cách thích ứng với các áp lực này và hưởng lợi từ chính những nỗ lực cải thiện uy tín của mình.
Chẳng hạn, công ty Sinohydro cho biết với hơn 500 dự án tại 80 quốc gia, họ đã và đang làm việc với các tổ chức như là Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy), Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (International Hydropower Association) và IR kể từ năm 2009 họ càng nhận thức rõ hơn rằng, đem lại lợi ích cho người dân địa phương là một yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các dự án nước ngoài.
Từ tháng 1 năm 2014, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu doanh nghiệp công khai đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc sửa đổi chính sách trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc làm quen với yêu cầu minh bạch, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án nước ngoài. Tuy nhiên, những thay đổi này không thể chỉ trong một sớm một chiều. Vẫn cần rất nhiều thời gian để các doanh nghiệp Trung Quốc có thể bắt kịp với tiêu chuẩn quốc tế.