ThienNhien.Net – Châu Á đang tiến tới trở thành khu vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới trước năm 2050, kèm theo đó là phát thải CO2 từ tiêu thụ năng lượng cũng tăng gấp hơn hai lần từ 17% vào năm 1990 lên tới 37% vào năm 2011 trên tổng phát thải toàn cầu.
Nếu không có gì thay đổi trong kế hoạch tiêu thụ năng lượng hiện tại, con số đó được dự đoán sẽ lên đến 46% vào năm 2035. Trong khi đó, vẫn còn 600 triệu người dân khu vực này cần được giải quyết nhu cầu năng lượng.
Các khu vực công và tư nhân, cùng các nhà tài trợ trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang nỗ lực giải quyết những vấn đề trên bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch
Sau một thời gian suy giảm do những thay đổi trong chính sách trợ giá tại Mỹ và châu Âu cùng việc cắt giảm hỗ trợ ở một số quốc gia, đầu tư cho năng lượng sạch trên thế giới đã tăng trở lại vào năm 2014 với tổng trị giá 270 tỉ USD trên toàn cầu và ghi nhận 95 gigawatt năng lượng tái tạo được lắp đặt. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu danh sách, thu hút đầu tư hơn 83 tỉ USD, Indonesia thu hút hơn 1 tỉ USD và Philippine, Myanmar đạt khoảng 500 triệu USD.
Các quyết định đầu tư trên được đưa ra trong thời kỳ giá dầu giảm, khi các quốc gia châu Á nhận thấy việc hưởng lợi từ sụt giảm giá dầu không thể kéo dài mãi và cần đầu tư nhiều hơn vào các nguồn năng lượng sạch, bền vững cho tương lai. Tiến trình này diễn ra khá thuận lợi khi giá thành công nghệ – rào cản đối với các quốc gia đang phát triển khi tiếp cận với năng lượng sạch – đang trên đà giảm dần đều.
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đã cam kết cắt giảm phát thải CO2 trong khoảng 40%-50% từ 2005 đến 2020. Đầu tư vào năng lượng tái tạo đã tăng hơn 8 lần từ 10 tỉ USD vào năm 2006 lên đến 83 tỉ USD trong 2014, và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch năm 2012 cao hơn cả Hoa Kỳ.
Còn tại Ấn Độ – nền kinh tế đứng thứ bảy thế giới – các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào. Tháng 5 vừa qua, nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất châu Á với công suất 100 megawatt đã chính thức vận hành tại bang Rajasthan với hỗ trợ tài chính từ ADB. Sản lượng điện mặt trời của Ấn Độ đã tăng từ 161 megawatt vào năm 2010 lên tới 3,7 gigawatt vào tháng 3/2015, với tổng đầu tư tăng từ 4,7 tỉ USD vào năm 2006 lên tới 7,4 tỉ USD vào năm 2014.
Từ năm 2011 đến năm 2014, đầu tư của ADB vào năng lượng sạch tăng thêm 2 tỉ USD mỗi năm, đạt 2,4 tỉ USD trong năm 2014 – mức cao nhất từ trước đến nay, với gần một phần ba trong số đó hỗ trợ các dự án tư nhân. Cùng lúc đó, tài trợ khí hậu được phê duyệt trung bình 3 tỉ USD một năm, với khoảng 75% được dành hỗ trợ giảm nhẹ thiệt hại và 25% cho các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Các dự án năng lượng cũng được hỗ trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như thủy điện chuẩn bị trước những biến đổi của dòng nước, cột điện cần chịu được gió lớn và hệ thống dây điện có thể đối mặt với nước lũ.
Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng
Sử dụng năng lượng hiệu quả là mộtgiải pháp quan trọng giúp các quốc gia tiết kiệm năng lượng. Các nghiên cứu của ADB cho thấy, chỉ cần đầu tư 1-4% tổng chi cho ngành năng lượng vào các phương thức sử dụng năng lượng hiệu quả, các nước châu Á đang phát triển có thể giảm tới 25% nhu cầu năng lượng dự kiến.
Riêng trong năm 2014, đầu tư tăng hiệu quả năng lượng của ADB đạt 900 triệu USD. Trong khoảng 2010-2013, các dự án được hỗ trợ bởi Sáng kiến Hiệu quả năng lượng đã tiết kiệm được tương đương 3 gigawatt giờ năng lượng mỗi năm.
Tất cả các biện pháp trên đều hướng đến hỗ trợ các nền kinh tế khu vực ứng phó với biến đổi khí hậu trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng 12 tới sẽ là nơi những chuẩn bị của châu Á – Thái Bình Dương trước thách thức biến đổi khí hậu được toàn cầu đánh giá.