ThienNhien.Net – “Trong khi EVN đặt mục tiêu điều chỉnh giá điện sao cho không bị giảm doanh thu như vậy người thu nhập thấp đã phải bù chéo cho người thu nhập cao”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lấy ý kiến về 3 phương án trong Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, phương án 1 giữ nguyên biểu giá hiện tại, phương án 3 rút gọn từ 6 bậc xuống còn 3-4 bậc trong khi phương án 2 đồng giá 1.747 đồng/kWh, quan điểm của ông về phương án này như thế nào?
Phương án đồng giá ưu điểm là dễ hiểu, dễ tính, dễ theo dõi, dễ quản lý nhưng theo tôi đây không phải vấn đề lớn, vì việc tính toán đã có công nghệ và phần mềm, vấn đề chỉ là nhập dự liệu có đáng tin cậy không, bởi nếu không phương pháp nào cũng cho kết quả không đúng.
Trong khi nhược điểm rất không hiệu quả và không công bằng. Phương án này không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm vì điện là mặt hàng tương đối khan hiếm ở Việt Nam, đồng thời việc sản xuất và tiêu thụ đều gây ra ngoại tác tiêu cực cho môi trường.
Tính không công bằng thể hiện là người sử dụng nhiều và người sử dụng ít đều trả một đơn giá như nhau. Người sử dụng nhiều hầu hết là người giàu, người có thu nhập cao, người có khả năng chi trả cao còn người sử dụng ít phần lớn là người có thu nhập thấp, người lao động nghèo nhưng với phương án điện đồng giá, người giàu và người nghèo đều thanh toán một đơn giá như nhau.
Thử hình dung, do nhu cầu của đời sống tối thiểu, một người nghèo sử dụng 50kWh điện cũng phải trả cùng một mức giá giống như một người giàu sử dụng đến 500 hay thậm chí 1.000kWh điện.
Ngoài ra, tính không công bằng còn thể hiện ở chỗ, có đến 80% hộ gia đình sử dụng điện dưới 200kWh/tháng và chỉ 20% sử dụng trên 200kWh/tháng. Nếu áp dụng phương án đồng giá như đề xuất những người sử dụng điện dưới 240kWh/tháng sẽ phải đóng nhiều tiền hơn cho cùng lượng điện họ sử dụng như trước đây, người sử dụng điện trên 240kWh/tháng lại được đóng ít hơn.
Trong khi đó, EVN đặt mục tiêu điều chỉnh giá điện sao cho không bị giảm doanh thu như vậy người thu nhập thấp đã phải bù chéo cho người thu nhập cao.
Các bằng chứng chỉ ra, độ co giãn của cầu theo giá điện ở mức sử dụng điện thấp và ở mức sử dụng điện rất cao là kém co giãn vì ngày nay điện năng được xem như một hàng hóa gần như thiết yếu của đời sống xã hội vì vậy mà người dân vẫn phải đảm bảo một mức sử dụng điện tối thiểu cho nhu cầu của họ ngay cả khi giá điện tăng lên.
Tương tự, những người rất giàu thì họ cũng ít nhạy cảm với giá điện, bởi vì phúc lợi khi sử dụng điện của họ rất lớn do sử dụng các tiện nghi cao cấp so với chi phí họ phải trả cho tiền điện. Do đó, việc tăng giá điện sẽ không làm suy giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện của hai nhóm thu nhập thái cực này.
Còn về phương án thứ 3 với 5 kịch bản đang được coi là tối ưu hơn 6 bậc thang hiện tại và đồng giá?
Ở phương án này tùy nhóm hộ gia đình với mức độ sử dụng điện khác nhau mà lợi hay thiệt cũng khác nhau.
Với những hộ sử dụng điện từ 50kWh/tháng đổ lại, phương án hiện tại và kịch bản 1, kịch bản 5 của phương án 3 là tương đương nhau và cũng là những phương án có lợi nhất.
Với những hộ sử dụng đến 100kWh/tháng thì kịch bản 2 của phương án 3 lại có lợi hơn đôi chút so với phương án hiện tại. Tuy nhiên nếu sử dụng đến 150kWh/tháng thì kịch bản 4 của phương án 3 lại có lợi nhất.
Nhìn chung, trừ kịch bản 3 tất cả các phương án đều cho làm cho những người sử dụng điện càng nhiều là càng có lợi. Mặc dù tính lũy tiến của giá điện của phương án 3 vẫn đảm bảo nhưng so với phương án hiện hành thì tính lũy tiến bị giảm đi.
Như vậy các phương án mới đều có lợi hơn cho người giàu sử dụng nhiều điện và không tạo thuận lợi cho người nghèo, thu nhập thấp?
Đề xuất cải tiến biểu giá điện của EVN tạo ra tính lũy thoái so với phương án hiện hành, làm cho người có khả năng chi trả nhiều hơn chỉ phải chi trả ít hơn tương đối và do vậy có lợi hơn tương đối so với người có thu nhập thấp hơn vốn phải chịu gánh nặng tiền điện tăng hơn.
Điều này vừa không đảm bảo tính công bằng, đồng thời lại càng khuyến khích người dân sử dụng điện nhiều hơn, đặc biệt đối với những hộ gia đình đang sử dụng điện ở mức gần đạt đến điểm giao mà ở đó việc sử dụng điện nhiều hơn bắt đầu có lợi hơn so với phương án giá điện hiện hành.
Trong khi đó những hộ gia đình rất nghèo có mức sử dụng điện rất thấp lại không thể “trốn chạy” khỏi gánh nặng chi phí điện tăng thêm với bất kỳ phương án mới nào được thông qua.
Hiện ngưỡng sử dụng điện tính theo bậc giá điện đầu tiên hiện nay là quá thấp, 50kWh điện cho một hộ gia đình (gồm nhiều nhân khẩu) dùng trong một tháng quả là rất thấp.
Tính ra mỗi ngày một hộ gia đình dùng không tới 2kWh điện. Trong xã hội ngày nay, với đời sống tối thiểu thì “định mức” sử dụng điện như vậy cần phải nâng lên 100kWh hoặc cao hơn, đồng thời dãn khoảng cách giữa các bậc tiếp theo cho đến ngưỡng sử dụng điện khoảng 300kWh/tháng.
Từ năm 2009 đến nay đã 7 lần điều chỉnh giá điện nhưng chưa một lần nhận được sự đồng thuận, theo ông đâu là nguyên nhân?
Bản thân EVN muốn tăng giá phải sòng phẳng trong vấn đề hạch toán chi phí, không thể hạch toán chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, hồ bơi vào chi phí sản xuất điện để đề nghị tăng giá điện để người dân bù vào.
EVN phải đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng hơn trong việc tính toán giá thành sản xuất và phân phối điện từ đó đề xuất tăng giá điện mới thuyết phục còn không người dân sẽ không cam lòng khi phải trả thêm tiền điện.
Xin cảm ơn ông!