ThienNhien.Net – Từ hơn một thập kỷ nay, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về tình trạng thiếu nước trên toàn cầu. Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, lời cảnh báo ấy có xu hướng nhấn mạnh đến các quốc gia đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương (Kim Dung, 2013) và châu Phi (TTXVN, 2011), trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất được công bố hồi tháng 3/2015 tại Báo cáo Phát triển Nước thế giới, hành tinh chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 40% nguồn cung cấp nước trong vòng 15 năm tới. Điều này cho thấy nước sẽ tiếp tục là vấn đề cấp bách và bức thiết của không ít quốc gia.
Riêng với Việt Nam, mặc dù nằm trong nhóm các quốc gia được cho là có trữ lượng nước dồi dào – xét theo tổng lượng nước hàng năm, song nguồn vốn tự nhiên này lại phân bố không đồng đều và ngày càng suy giảm cả về số và chất lượng, thậm chí mức suy giảm và ô nhiễm nguồn nước đang trong tình trạng báo động (Bộ TN&MT, 2012).
Không khó để nhận diện những thách thức nổi cộm mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt trong vấn đề kiểm soát và phân bổ nguồn nước. Trong đó, thách thức đầu tiên có thể kể tới là sự mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng trữ nước. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 7.500 hồ chứa và đập dâng với dung tích chứa khoảng 20 tỷ mét khối nước (cả hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện) (Pham, Cuong Hung; 2015). Trong khi đó, riêng nhu cầu nước dự kiến đến năm 2020 của một số lĩnh vực do Bộ NN&PTNT quản lý đã lên tới 125 tỷ m3, theo Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020. Như vậy, lượng nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, số còn lại trông chờ vào lượng mưa và nguồn cung từ các con sông thông qua hệ thống trạm bơm. Đáng chú ý là nhiều sông lớn của Việt Nam hiện đang trong tình trạng suy giảm nguồn nước. Việc xây nhiều hồ chứa ở phía thượng nguồn của bốn con sông lớn bắt nguồn từ các quốc gia láng giềng, gồm: sông Mê Công, sông Hồng, sông Mã và sông Cả đang khiến lượng nước chảy về hạ nguồn của Việt Nam bị suy giảm mạnh, nước sông cũng mất đi một lượng phù sa lớn.
Sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước các con sông bên ngoài cũng chính là thách thức nan giải và hóc búa đối với Việt Nam. Thống kê cho thấy, có tới 63% tổng lượng dòng chảy sông ngòi của Việt Nam đến từ các nước láng giềng; riêng với lưu vực sông Mê Công, tỷ lệ này chiếm trên 90% (Bộ TN&MT, 2012). Thực tế này khiến Việt Nam khó có thể chủ động trong quản lý và khai thác tài nguyên nước cho các tiểu vùng trong nước, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia thượng nguồn tích cực triển khai các công trình thủy điện lớn, các dự án chuyển nước và lấy nước như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam chưa xây dựng được Chiến lược sử dụng nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn tài nguyên này bị khai thác, sử dụng thiếu kiểm soát. Cho đến nay, nông nghiệp vẫn được coi là ngành tiêu tốn nhiều nước nhất với tỷ lệ sử dụng chiếm 70-80% nguồn nước, nhưng hiện vẫn chưa có một khảo sát chính thức nào về nhu cầu và thực tế sử dụng nước của ngành này để đưa ra những khuyến cáo tưới tiêu tiết kiệm, phù hợp. Ngoài ra, một số chính sách phát triển vô hình trung còn khuyến khích sản xuất theo hướng khiến nguồn nước bị khai thác quá mức. Đơn cử, tại bán đảo Cà Mau, dưới tác động của chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản[1] mà cụ thể là nuôi tôm quảng canh trên diện rộng, nguồn nước ngầm đã sụt giảm mạnh và tình trạng sụt lún đất xảy ra ngày càng phổ biến. Hiện có tới 60% diện tích mặt đất Cà Mau ở dưới cao trình +0,5m, và với tốc độ lún này thì chỉ sau 15 năm, toàn bộ bán đảo Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển (tương tự như Hà Lan bây giờ).
Song song với các thách thức nêu trên, việc chia sẻ một cách hài hòa trong sử dụng nguồn nước giữa các cấp, các bên (Trung ương – địa phương, địa phương – địa phương, địa phương – doanh nghiệp) cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Trường hợp UBND tỉnh Đồng Nai mới đây cho phép lấn một phần sông Đồng Nai để xây dựng khu thương mại ven sông và gặp phải sự phản ứng của dư luận có thể coi là một trong những câu chuyện điển hình về thách thức trong chia sẻ nguồn nước. Các ý kiến phản đối cho rằng, ngoài việc cảnh quan sông bị tác động thì hai địa phương ở phía hạ du là Bình Dương và TP. Hồ chí Minh sẽ phải hứng chịu những hậu quả nhãn tiền một khi dự án tiếp tục được thực thi như: xói lở bờ, lượng nước sụt giảm, các trạm bơm ven sông khó khăn khi lấy nước, môi trường hạ du thay đổi. Đôi khi, xung đột lợi ích sử dụng nước xảy ra giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với doanh nghiệp thủy điện còn diễn ra khá căng thẳng, dai dẳng, trong đó câu chuyện tranh chấp nguồn nước giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cũng có thể coi là một vụ việc điển hình.
Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng là một trong những nhân tố quan trọng khiến an ninh nguồn nước bị đe dọa. Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH nên tác động từ việc gia tăng các hiện tượng cực đoan này khiến nguồn nước mặt trở nên khan hiếm trong mùa khô gây hạn hạn và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt (Đình Thắng, 2013); nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm do thiếu nguồn bổ sung. Đặc biệt, sự phân bố nguồn nước theo thời gian và lãnh thổ cũng như mực nước triều, tốc độ triều cũng bị thay đổi. Có thể dẫn chứng về tốc độ nước biển dâng gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi lấy nước vùng triều như sau: nhiều công trình lấy nước ngọt ở các tỉnh ven biển (Hải Phòng, Quảng Ninh) được trang bị bằng thiết bị tự động đóng mở, nay đã mất tác dụng hoàn toàn bởi mực nước triều, tốc độ triều đã thay đổi so với quy trình thiết kế tự động trước đây. Thay vào đó, con người phải sử dụng máy đo trực tiếp để chỉ đạo đóng mở theo giờ nhằm giữ cho nước tưới không đem theo nước mặn vào các cánh đồng.
Phát triển kinh tế và xu thế hội nhập cũng là một trong những tác nhân gây sụt giảm và suy thoái nguồn nước. Hầu hết các lĩnh vực phát triển đều gia tăng nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt là quá trình xây mới các khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế… Cũng chính chủ trương đô thị hóa đã “góp phần” bê tông hóa không ít những khu đất, hồ ao vốn giúp thẩm thấu, tích trữ nước thành các khu dịch vụ, trung tâm thương mại… mà hệ lụy là nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nguồn nước mặt thì suy giảm. Phát triển nhanh chóng nhưng thiếu kiểm soát về môi trường cùng nạn phá rừng, canh tác nông nghiệp, khai khoáng trái phép gia tăng cũng khiến chất lượng nước bị suy thoái nghiêm trọng (Bộ TN&MT, 2012).
Thách thức cuối cùng thuộc về ý chí chủ quan của đại đa số người dân cho rằng “nước là của trời cho, là vô tận”. Không ít người vẫn lầm tưởng Việt Nam là quốc gia giàu nước, tuy nhiên, Việt Nam chỉ là quốc gia dồi dào về nước khi xét riêng tổng lượng nước hàng năm (bao gồm trên 60% nguồn nước mặt – tương ứng trên 500 tỷ m3 – bắt nguồn từ nước ngoài và trên 300 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam). Tuy nhiên, theo tiêu chí đánh giá của Hội Tài nguyên nước Quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước, thì nếu tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã là quốc gia thiếu nước và sẽ gặp rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần. Nguy hiểm hơn, ý thức chủ quan sai lầm về sự dồi dào của tài nguyên nước đã dẫn đến sự lãng phí quá mức nguồn nước trong sinh hoạt và sản xuất. Cho đến nay, công nghệ tưới trong nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là tưới tràn, trong khi từ lâu, các tổ chức thế giới đã đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ về cách thức tưới tiết kiệm theo kiểu tưới rãnh, tưới nhỏ giọt, tưới phun. Nhiều kiến nghị xây dựng những nhà máy xử lý nước thải riêng cho từng khu vực nhằm tái sử dụng nguồn nước này cũng vẫn chưa được hiện thực hóa khiến nguồn nước tiếp tục bị lạm dụng một cách lãng phí.
Có thể nhận thấy, an ninh nguồn nước Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức mang tính khách quan và chủ quan. Dự báo về nguy cơ thiếu nước trong thế kỷ 21 của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam không còn quá xa xôi mà nguy cơ ấy đã gõ cửa và đặt ngay trước mắt. Nhiệm vụ của cả xã hội là phải chung tay bảo vệ, tiết kiệm nước, đồng thời tăng cường quản lý, phân bổ hiệu quả, đảm bảo duy trì nguồn nước ổn định cho mục tiêu phát triển bền vững.
[1] Nghị quyết của Chính phủ số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cho phép chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và Quyết định 173/2001/QĐ-TTg ngày 6 tháng 11 năm 2001 khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đã có những ảnh hưởng quan trọng. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nói riêng” (TS.Ngô Thị Phương Lan, Đại học KHXH&NV-TP.HCM. Sinh kế, biến đổi sinh thái và sự thích nghi của con người ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trong quá trình chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm thương mại)
Tài liệu tham khảo:
- Bộ TN&MT, 2012. Báo cáo Môi trường Quốc gia
- Pham, Cuong Hung, 2015. Project Information Document (Appraisal Stage) – Vietnam Dam Rehabilitation and Safety Improvement Project – P152309. Washington, D.C. : World Bank Group.
- Thủ tướng Chính phủ, 2009. Phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thuỷ lợi Việt Nam
- Đình Thắng, 2013. Nông nghiệp tơi tả vì hạn, bão lũ. Nguồn: bit.ly/btcs00271
- Kim Dung, 2013. Đa số các quốc gia ở châu Á-TBD sẽ bị thiếu nước. Nguồn: http://bit.ly/btcs00272
- TTXVN, 2012. Nhiều nước Châu Phi thiếu nước ngọt trầm trọng. Nguồn: http://bit.ly/btcs00273
GS.TS. Vũ Trọng Hồng, Hội Thủy lợi Việt Nam